Sau nhiều năm đầu tư vào chất lượng cà phê từ cây giống, canh tác đến xây dựng những nhà máy chế biến cà phê đạt chuẩn quốc tế, vị thế cà phê Việt đã được nâng lên.
Xuất khẩu kỷ lục
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỉ USD, giảm 7,3% về lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu cà phê bình quân tăng gần 10%, đạt khoảng 2.499 USD/tấn. Đây là những con số kỷ lục của ngành cà phê Việt Nam về giá trị và đơn giá xuất khẩu.
Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu có những chuyển biến tích cực với sự gia tăng mạnh mẽ của cà phê chế biến. Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến tăng tới 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong khi tỉ lệ này ở cùng kỳ năm ngoái là 15%.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỉ USD vào năm 2030, ngành cà phê phải tăng thêm tỉ lệ chế biến (cà phê khử caffeine, rang xay, hòa tan...), nâng chất lượng cà phê nhân xanh vì không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng nhờ tăng diện tích. Chưa kể, việc tăng sản lượng còn có nguy cơ cung vượt cầu, kéo giá cà phê đi xuống.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết sau dịch COVID-19, các nhà nhập khẩu nước ngoài tìm đến nông sản thực phẩm Việt Nam nhiều hơn. Trong đó, cà phê trong tình trạng không còn hàng để bán mà phải chờ vụ thu hoạch mới. "Kinh tế suy thoái, cà phê càng trở nên là mặt hàng thiết yếu. Nhà nhập khẩu rất cần cà phê Việt Nam" - ông Thông nói.
Theo ông Phan Minh Thông, vị thế hạt cà phê Việt Nam tăng trong những năm gần đây do Việt Nam có sự cải tiến lớn về giống, canh tác cũng như nhiều nhà máy chế biến cà phê được đầu tư bài bản, tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài hạt cà phê, vỏ cà phê chín cũng được sản xuất thành mặt hàng cao cấp là trà cascara được thị trường ưa chuộng. "Chúng tôi sắp xây thêm nhà máy trà cascara tại Sơn La, công suất 100 tấn/năm, gấp 10 lần nhà máy hiện tại để đáp ứng các đơn hàng tăng thêm" - ông Thông tiết lộ.
Ông Nguyễn Tấn Vinh, chuyên gia quốc tế về nếm và pha chế cà phê, nhận xét cà phê Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng. Ở khâu trồng có nhiều người trẻ khởi nghiệp hoặc kế nghiệp gia đình bằng cà phê đặc sản; ở khâu pha chế có đội ngũ được học hành bài bản về pha chế, nếm, rang xay nên chất lượng nâng lên. "Việt Nam có nhiều lô cà phê đặc sản được khách hàng đấu giá rất cao. Đơn cử như trường hợp lô 2 tấn cà phê Robusta đặc sản được chốt giá lên đến 350.000 đồng/kg" - ông Vinh dẫn chứng.
Các doanh nghiệp giới thiệu cà phê cho các khách hàng trong và ngoài nước tại một sự kiện gần đây
Chuỗi cà phê Việt xuất ngoại
Không dừng lại ở xuất khẩu cà phê thô và chế biến, cuối tháng 9 vừa qua, Trung Nguyên Legend chính thức khai trương cửa hàng cà phê đầu tiên tại Mỹ bằng hình thức nhượng quyền. Trước đó, thương hiệu cà phê này đã thành công với 2 cửa hàng tại Trung Quốc, một bước tiến mới của thương hiệu cà phê Việt ở nước ngoài.
Đầu tháng 10, Công ty CP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (sở hữu chuỗi Highlands Coffee) khởi công xây dựng dự án Nhà máy rang cà phê Cao Nguyên, vốn đầu tư tới 500 tỉ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tham vọng đưa cà phê rang xay Việt Nam lên bản đồ thế giới. Nhà máy có công suất đạt gần 10.000 tấn cà phê/năm giai đoạn đầu và có thể tăng lên 75.000 tấn/năm giai đoạn tiếp theo.
Highlands Coffee hiện có gần 700 cửa hàng tại Việt Nam và hơn 50 cửa hàng tại Philippines tính đến tháng 9-2023. Sản phẩm cà phê Highlands đã hiện diện tại Philippines, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Czech, Malaysia, Maldives, Anh.
"Với khát vọng phát triển hàng ngàn cửa hàng tại Việt Nam và xa hơn nữa, nhà máy này là quyết tâm hiện thực hóa khát vọng của chúng tôi trong việc đưa văn hóa cà phê đặc sản Việt Nam lên một tầm cao mới ở phạm vi toàn cầu" - ông David Thai, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Highlands Coffee, chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Tấn Vinh phân tích thêm sau những đợt rộ lên thông tin về cà phê bẩn, cà phê pin, người tiêu dùng Việt Nam chú ý hơn đến chất lượng cà phê và trình độ thưởng thức cà phê Việt Nam đang tiệm cận các nước phát triển. "Nhu cầu người tiêu dùng thay đổi là lực kéo buộc phía cung thay đổi. Nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu cà phê như: Simexco Daklak, Intimex, Phúc Sinh... cũng phát triển thị trường nội địa" - ông Vinh phân tích.
Ông Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành Pizza Home và FoodEdu, nhận xét các chuỗi cà phê tại Việt Nam đã định hình với các tên tuổi như: Starbucks, Katinat, The Coffee House, Highlands Coffee, Phúc Long... ở phân khúc trung và cao cấp. Các thương hiệu Việt vẫn chiếm chủ lực trên thị trường trong khi đối thủ ngoại mạnh nhất chỉ có Starbucks.
Đặc biệt, phân khúc bình dân hiện vô cùng sôi động với các thương hiệu thuần Việt như: Guta, Milano, ông Bầu... và mới đây nổi lên cà phê muối Chú Long. "Tuy là chuỗi cà phê bình dân nhưng đều có tiêu chuẩn, hướng đến cà phê sạch, nguyên chất chứ không pha trộn kiểu một số quán cà phê lẻ trước đây" - ông Tùng nhận xét.
Ông Tùng cũng thông tin thêm thị trường chuỗi cà phê Việt tạm thời đang bình lặng nhưng sắp tới có thể có biến động lớn trước sự tấn công của một số chuỗi cà phê của Trung Quốc, tương tự như chuỗi Mixue vừa làm với ngành trà sữa. "Theo tôi được biết thì có 2 thương hiệu cà phê rất mạnh của Trung Quốc đã có kế hoạch mở cửa hàng ở Việt Nam. DN Việt phải chuẩn bị nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn để không mất khách" - ông Tùng nói.
Doanh nghiệp Việt còn lép vế
Thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong tháng 9, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm thị phần khoảng 70,5% tổng khối lượng xuất khẩu và chiếm khoảng 69% về giá trị kim ngạch cà phê nhân sống. Đối với cà phê rang xay, hòa tan, các DN FDI chiếm thị phần khoảng 58,3% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê và chiếm khoảng 64,4% về kim ngạch. Điều này cho thấy cà phê Việt tuy lên ngôi nhưng DN Việt vẫn còn lép vế so với các tập đoàn đa quốc gia. Hiện các tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam - vùng nguyên liệu Robusta lớn nhất thế giới.