Xét xử vụ Euro Auto buôn lậu xe BMW ở TPHCM

Thứ ba, 04 Tháng 6 2019 13:45 (GMT+7)
Vụ buôn lậu xe BMW lớn nhất từ trước đến nay được đưa ra xét xử sáng nay 4/6. Phiên tòa dự kiến kéo diễn ra trong 2 ngày.

Hôm nay (4/6), TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ buôn lậu 91 xe BMW do 3 bị cáo Nguyễn Đăng Thảo (nguyên Tổng giám đốc Cty CP ô tô Âu Châu); Trần Hải Đăng (nguyên Phó giám đốc Cty TNHH TM giao nhận Việt Á) và Nguyễn Thị Minh Yến (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Cty CP Âu Châu) thực hiện.

Xét xử vụ Euro Auto buôn lậu xe BMW ở TPHCM - Ảnh 1.

Nguyên Tổng giám đốc Cty ô tô Châu Âu Nguyễn Đăng Thảo

Theo cáo trạng, từ tháng 5 đến tháng 6/2013, lợi dụng việc nhập khẩu xe ô tô hiệu BMW từ Đức về bán tại thị trường Việt Nam, với mục đích giảm thuế nhập khẩu và thông quan lô hàng theo 9 hợp đồng mua bán được ký kết với Cty BMW AG, Nguyễn Đăng Thảo, Nguyễn Thị Minh Yến đã lập lại các hợp đồng mua bán, điều chỉnh giảm giá 91 xe ô tô, hoàn thiện hồ sơ khai báo hải quan; thống nhất với Trần Hải Đăng làm giả 91 Invoice (hóa đơn) của Cty BMW AG có giá trị thấp hơn giá trên Invoice (hóa đơn) do Cty BMW phát hành với tổng số tiền là 129.259EUR, để tiến hành làm thủ tục thông quan 91 xe ô tô hiệu BMW có tổng trị giá 2.163.692 EUR (tương đương 60.027.197.566 đồng), làm lợi bất chính cho Cty Âu Châu 6.456.290.417 đồng và gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số thuế là 6.456.290.417 đồng.

Cáo trạng xác định Nguyễn Đăng Thảo đại diện Cty Âu Châu trực tiếp ký các chứng từ, tài liệu giả hoàn thiện thủ tục nhập khẩu 91 xe trên có vai trò chính trong vụ án; Trần Hải Đăng trực tiếp làm giả các Invoice (hóa đơn) có trị giá thấp hơn, trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu 91 xe ô tô; Nguyễn Thị Minh Yến là người có trách nhiệm đặt hàng, nhận bộ chứng từ mua bán, biết rõ và đã thống nhất với Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng trong việc làm giả hợp đồng, Invoice (hóa đơn) và các tài liệu trong bộ hồ sơ nhập khẩu nên có vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án.

Xét xử vụ Euro Auto buôn lậu xe BMW ở TPHCM - Ảnh 2.

Lô xe tang vật vụ án.

Đối với 91 xe ô tô trên được nhập khẩu, thông quan bằng thủ đoạn làm giả bộ hồ sơ và giảm giá trị trên hợp đồng, Invoice (hóa đơn) được xác định là hàng hóa buôn lậu. Hiện Cty Âu Châu đã tiêu thụ hết, các khách hàng khi mua xe ô tô của Công ty Âu Châu đều ký kết hợp đồng mua bán và không biết Cty Âu Châu sử dụng chứng từ giả để nhập khẩu nên không thu hồi các xe ô tô đã tiêu thụ. Do vậy, Cty Âu Châu phải chịu trách nhiệm về giá trị số xe buôn lậu đã tiêu thụ.

Cáo trạng truy tố 3 bị can tội “Buôn lậu” quy định tại điểm a, b, Khoản 4, Điều 153 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên theo VKS thì Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có khung hình phạt nhẹ hơn Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 nên căn cứ Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì hành vi của Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng, Nguyễn Thị Minh Yến bị truy tố về tội “Buôn lậu” quy định tại điểm a, b Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 

Autopro.com.vn
T/h: Thùy Giang - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Cơ Khí - Ôtô - Xe máy