Xuất khẩu sang Âu - Mỹ gia tăng: Cơ hội nào cho doanh nghiệp cơ khí - điện?

Thứ ba, 22 Tháng 8 2023 14:14 (GMT+7)
Các doanh nghiệp ngành cơ khí - điện rất quan tâm đến cơ hội xuất khẩu, đưa sản phẩm "made by Vietnam" ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Âu – Mỹ.
 
Các doanh nghiệp cần chú ý đến chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng..., đẩy mạnh marketing online để có thể tiếp cận và nắm bắt các cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài trong giai đoạn thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. 
 
Đây là những khuyến nghị được các diễn giả khách mời nêu ra tại chương trình Hamee Cafetalk kỳ 1-2023 chủ đề MBV và thị trường Âu - Mỹ do Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM (Hamee) tổ chức ngày 19-8. 
 
Chia sẻ với hơn 100 hội viên Hamee có mặt tại chương trình, bà Trần Quỳnh Hương, Trưởng ban Tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia (SOA), cho biết Mỹ và châu Âu là 2 thị trường xuất siêu cao nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê tính đến 7 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 44,3 tỉ USD và sang châu Âu đạt 16,4 tỉ USD. Tổng cộng có 15 mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Âu - Mỹ có kim ngạch trên 1 tỉ USD. Trong đó, một số mặt hàng tăng trưởng hai con số như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; thủy sản; cà phê.
 
Xuất khẩu sang Âu - Mỹ gia tăng: Cơ hội nào cho doanh nghiệp cơ khí - điện? - Ảnh 1.
Các doanh nghiệp ngành cơ khí - điện giới thiệu sản phẩm tại chương trình Hamee Cafetalk ngày 19-8
 
"UPS - tập đoàn chuyển phát nhanh hàng đầu của Mỹ, đã đầu tư 6 máy bay chở hàng có điểm khởi phát từ Việt Nam, đồng nghĩa với dự đoán của nhà đầu tư này về lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu tiếp tục gia tăng" – Trưởng ban Tư vấn SOA dự đoán.
 
Việt Nam đang được biết đến là điểm đến mới trong sản xuất công nghiệp. Dù vậy, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất trong chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng. Mức độ cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN khác và so với Ấn Độ vẫn là một thách thức lớn.
 
Nêu thực tế giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng vẫn còn khá thấp, bà Hương cho biết khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm tới 98%, nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài (tỉ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan là 30%, Malaysia 46%). Năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ còn khoảng 36%.
 
"Doanh nghiệp còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp..." – bà Hương chỉ ra một số hạn chế khác của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng quốc tế.
 
Xuất khẩu sang Âu - Mỹ gia tăng: Cơ hội nào cho doanh nghiệp cơ khí - điện? - Ảnh 3.
Các diễn giả khách mời trao đổi tại chương trình
 
Cũng theo bà Hương, các doanh nghiệp châu Âu đang dựa vào các triển lãm thương mại, website của doanh nghiệp, các công cụ tìm kiếm trực tuyến và thông qua các đại lý bán hàng/văn phòng tư vấn để tìm hiểu về nhà cung cấp.
 
"Các doanh nghiệp cần chú ý đến các yếu tố như chuỗi cung ứng phát triển, cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, các yêu cầu đặc biệt về phát triển bền vững và tính rõ ràng trong hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà sản xuất Việt Nam muốn thâm nhập thành công vào các thị trường Âu – Mỹ cần nỗ lực khai thác mạng lưới liên kết, đẩy mạnh hoạt động marketing để nâng cao hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường" - bà Hương nhấn mạnh. 
 
Ông Huỳnh Kim Tước, Đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và Công nghệ Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Giám đốc điều hành Công ty TNHH UL VS Việt Nam, cho hay hiện tại, hầu hết những doanh nghiệp tăng trưởng tốt đều kinh doanh trong những môi trường mới, môi trường công nghệ. Nêu một số dẫn chứng về các DN đã thành công nhờ tập trung vào mảng kinh tế số, ông Tước lưu ý doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại nước ngoài cần quan tâm đến việc marketing xuyên biên giới trên nền tảng online.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Cơ Khí - Ôtô - Xe máy