Khách hàng xem xe ô-tô tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: HÀ THU
Tăng tốc cuối năm
Tại các đại lý của một số hãng xe ô-tô trên địa bàn TP Hà Nội như Toyota, Mazda, Kia, Hyundai,..., hầu hết các hãng xe đều có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng mua xe với mức giảm trung bình từ 50 - 100 triệu đồng kèm theo quà tặng như dán phim cách nhiệt cho cửa kính xe, tặng thảm trải sàn,... Ngoài ưu đãi giá và quà tặng đi kèm, khách mua xe đến hết năm 2020 còn được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho dòng xe lắp ráp trong nước theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng được giảm giá ngay khi xem xe và không phải đại lý bán xe nào cũng công khai giảm giá. Các đại lý ô-tô thường giữ kín kế hoạch giảm giá để bảo đảm tính cạnh tranh, bởi nếu chạy đua cạnh tranh nhau bằng giá, chắc chắn sẽ đẩy mức giá một dòng xe nào đấy xuống mặt bằng mới và đây lại là điều các đại lý xe không mong muốn. Theo đó, để phản ứng tức thì trước việc giảm giá của các đối thủ, các hãng và đại lý đều phải có thông tin "tay trong" hoặc cho người dò la đối thủ nhằm tránh bị bất ngờ.
Ðợt giảm giá cuối năm này không chỉ ở phân khúc xe giá rẻ, phổ thông mà phân khúc xe sang cũng phải "xuống nước". Hai thương hiệu xe sang nổi tiếng như Mercedes-Benz và BMW với đa dạng mẫu mã sản phẩm, đang có chiến dịch giảm giá mạnh, để gấp rút tăng doanh số cuối năm, có những mẫu được giảm giá đến vài trăm triệu đồng. Ðiển hình như dòng xe hạng sang Mercedes-Benz S-Class với các bản S450 L, S450 L Luxury giảm từ 100 triệu đến 250 triệu đồng, cộng thêm ưu đãi trước bạ, tổng cộng dòng S-Class giảm tới hơn 500 triệu đồng. Còn với hãng BMW, do 100% là xe nhập khẩu cho nên không được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ như Mercedes-Benz. Tuy nhiên, BMW vẫn giảm giá cho phần lớn các xe trong danh mục sản phẩm với mức giảm cao áp dụng với tất cả các đại lý. Ðáng chú ý có mẫu xe BMW X7 được giảm với mức giá kỷ lục lên tới 810 triệu đồng.
Không chỉ cạnh tranh ở chất lượng sản phẩm, giá cả, các hãng xe, đại lý bán xe ô-tô còn hướng tới dịch vụ sau bán hàng, trong đó nổi bật là chính sách bảo hành. Trước đây, các hãng xe thường cung cấp chính sách bảo hành ba năm hoặc 100.000 km (tùy điều kiện) cho mỗi hợp đồng mua xe mới. Tuy nhiên, nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu, nhiều hãng xe ô-tô hiện nay đã điều chỉnh chính sách bảo hành lên mức 5 năm. Ðây được coi là chính sách bảo hành cao nhất cho đến thời điểm hiện tại. Thương hiệu xe hơi từ nước Pháp - Peugeot là hãng xe đầu tiên có chính sách bảo hành 5 năm tại thị trường ô-tô Việt Nam kể từ cuối năm 2018. Hãng xe Việt Nam - VinFast cũng chính thức điều chỉnh thời hạn bảo hành xe Lux SA2.0 và Lux A2.0 từ ba lên 5 năm hoặc 165.000 km (tùy điều kiện nào đến trước). Ngoài ra, VinFast còn cung cấp thêm dịch vụ cứu hộ 24/7 miễn phí trong suốt thời gian bảo hành cho khách hàng mua xe.
Vẫn còn tâm lý chờ giá xe tiếp tục giảm
Lý giải về nguyên nhân của việc các hãng xe và đại lý đua nhau giảm giá, theo anh Tuấn Anh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh ô-tô cũ đã qua sử dụng trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) cho biết, với mỗi vòng đời của một mẫu xe thường là ba đến 5 năm, trong khi đó trên thị trường hiện có rất nhiều hãng xe, mẫu xe mới liên tục được cho ra mắt. Ðiều này khiến các hãng xe bắt buộc giảm giá các mẫu xe 2020 nhưng có năm sản xuất là 2019, để đón vòng đời mới 2021 cận kề. Năm nay, nhiều khả năng việc khan hàng, hiếm xe sẽ không diễn ra và tổng nhu cầu xe có thể sẽ giảm hơn so với các năm trước do tình hình kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề khó khăn, sức mua xe sẽ còn giảm nữa và có thể khiến giá xe sẽ giảm thêm. Bên cạnh đó, một vấn đề có thể ảnh hưởng đến thị trường và giá xe là Việt Nam sẽ cắt giảm đến 8% thuế nhập xe ô-tô từ châu Âu, từ đó các hãng xe sang có cơ hội giảm giá sản phẩm khiến giá trên thị trường xe ô-tô có thể còn nhiều biến động trong năm tới.
Mặc dù hiện tại, giá xe ô-tô của nhiều hãng đã giảm với mức khá sâu, xong sang năm 2021, xe nội có hy vọng giảm giá nhiều hơn, nếu các chính sách ưu đãi mới được ban hành đi vào thực tiễn. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng còn chần chừ chưa mua xe vội. Tại Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành ngày 6-8-2020, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô-tô, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10. Nếu chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới được trình và thông qua, từ năm 2021 những mẫu ô-tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ nhận được ưu đãi lớn. Theo đó, phần giá trị gia tăng trong nước sẽ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, các mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, có điều kiện giảm giá thành và giảm giá bán ra. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nếu đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để kích cầu tiêu dùng được áp dụng, ngành ô-tô trong nước được hưởng lợi, góp phần giảm giá bán xe.
Dự báo thị trường ô-tô Việt Nam trong năm 2020 vẫn sẽ tăng trưởng âm cho dù thời điểm cuối năm, nhu cầu về ô-tô tăng lên, nhưng khả năng sẽ không cao như các năm trước. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8-2020, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên vẫn giảm 25% so cùng kỳ. Hy vọng sang năm 2021, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát, các doanh nghiệp hồi phục sản xuất mạnh mẽ và bứt phá, nguồn cung tiền được đẩy mạnh ra thị trường kèm theo các chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng từ Chính phủ sẽ giúp thị trường ô-tô khởi sắc trở lại.
MINH KHÔI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)