Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải cho hay việc nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới lên Euro 5 nhằm thực hiện cam kết của các quốc gia về kiểm soát mức phát thải phương tiện từ khi sản xuất. Lộ trình này đòi hỏi sự thay đổi lớn về mặt công nghệ đối với các hãng xe bởi khoảng cách giữa tiêu chuẩn Euro 4 với Euro 5 là rất đáng kể, khác biệt với khoảng cách từ Euro 3 lên Euro 4.
Giới chuyên môn về ôtô cho biết để sản xuất xe đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5, hàm lượng công nghệ cần đầu tư vào một số bộ phận, chi tiết sẽ rất cao, đặc biệt là động cơ diesel, hệ thống điều khiển, tính toán, phun dầu - xăng, đánh lửa, hệ thống xúc tác trung hòa khí xả… Từ đó, chi phí sản xuất ôtô tiêu chuẩn khí thải Euro 5 sẽ bị đội lên khá nhiều. Điều này ảnh hưởng lớn đến các hãng sản xuất, lắp ráp dòng xe phổ thông ngoài khu vực châu Âu. Riêng một số loại xe sang nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đã sớm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nói trên.
Tuy vậy, không phải chỉ cần có động cơ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 là việc vận hành sẽ trơn tru. Điều đáng ngại nhất hiện nay là nếu chủ xe sử dụng nhiên liệu không phù hợp, chiếc xe sẽ dễ gặp lỗi và không đạt được mục tiêu giảm phát thải. Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, cho hay công ty đã từng phải xử lý một số trường hợp xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 gặp trục trặc liên quan đến nhiên liệu được sử dụng không phù hợp. Các tình huống thường gặp là đèn báo lỗi phát sáng, xuất hiện tiếng kêu cảnh báo, thậm chí có xe bị hệ thống cảnh báo khóa luôn máy khiến động cơ không thể nổ được. "Việc xử lý mất nhiều thời gian vì phải vệ sinh lại hệ thống nhiên liệu, cài đặt xóa lỗi" - ông Thân nói.
Để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5, chi phí sản xuất ôtô hạng trung sẽ tăng. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ông Nguyễn Thanh Nam, quản lý một đại lý ôtô tại TP Thủ Đức (TP HCM), cũng lưu ý do xe đạt chuẩn khí thải Euro 5 được tích hợp nhiều công nghệ nên việc sử dụng nhiên liệu cần thận trọng. Nhiên liệu có chất lượng không tương ứng có thể làm giảm tuổi thọ động cơ hoặc làm động cơ bị ăn mòn, dẫn đến mất áp suất. Đồng thời, các chất cặn bã cũng sẽ bám trong buồng đốt và thải ra môi trường nhiều hơn. "Xe sử dụng nhiên liệu có chất lượng không phù hợp sẽ không được hãng bảo hành, chủ xe phải trả toàn bộ chi phí. Do vậy, yêu cầu về nguồn nhiên liệu đáp ứng nhu cầu là quan trọng nhất trong việc thực hiện lộ trình áp dụng khí thải Euro 5" - ông Nam nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chưa có xăng tiêu chuẩn Euro 5 được bán tại các cây xăng trên cả nước, đa số mới dừng ở xăng RON 95-IV đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4. Với nhiên liệu dầu diesel, hiện chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phân phối DO 0,001S-V đạt tiêu chuẩn tương đương Euro 5 từ năm 2018. Đại diện tập đoàn này cho biết hiện có hơn 1.000 trong tổng số trên 2.800 cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống cung cấp dầu diesel đạt chuẩn Euro 5. Về sản lượng tiêu thụ, năm 2020, Petrolimex bán được 765.449 m3 DO 0,001S-V, riêng 4 tháng đầu năm nay bán ra 282.111 m3, chiếm sản lượng rất nhỏ trong toàn hệ thống.
Đáng lưu ý, toàn bộ dầu DO 0,001S-V do Petrolimex phân phối đều được nhập khẩu. Hiện chưa có doanh nghiệp sản xuất xăng dầu nào trong nước lên tiếng về năng lực sản xuất nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 5. Trong khi đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel, nhiên liệu sinh học tương ứng với tiêu chuẩn khí thải Euro 5 đến nay vẫn chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. "Để đạt được tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cần có sự đồng bộ giữa động cơ ôtô và nhiên liệu. Phải có nhiên liệu đạt chuẩn Euro 5 được bán rộng rãi trên thị trường và tuyên truyền cho người sử dụng phương tiện hiểu được điều này thì mới đạt được hiệu quả" - Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam nêu quan điểm.
Dồn dập triệu hồi xe lỗi
Các hãng xe thời gian qua khá mệt mỏi với việc xử lý số lượng không nhỏ xe triệu hồi do gặp lỗi. Mitsubishi Việt Nam triệu hồi các xe Outlander Sport và Outlander từ ngày 24-5 để khắc phục lỗi nằm ở cơ cấu hãm phanh đỗ có thể khiến xe bị trôi, nguy cơ gây tai nạn cao. Trước đó, hãng này triệu hồi 2 mẫu xe sản xuất từ năm 1998 để khắc phục lỗi về cụm bơm túi khí bên người lái, gồm Mitsubishi Colt và Pajero.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, có khoảng 61.500 xe Mazda sản xuất trước năm 2020 được triệu hồi, gồm cả mẫu nhập khẩu và lắp ráp trong nước, do cánh của bơm áp thấp đặt trong bình nhiên liệu có thể được sản xuất với mật độ vật liệu thấp hoặc phát sinh vết nứt do sấy khô trong quá trình sản xuất. Điều này dẫn tới việc cánh bơm có thể bị biến dạng do tác dụng của xăng, gây nguy cơ xe chết máy. Ngoài ra, Hyundai Thành Công cũng triệu hồi hơn 23.500 xe Tucson, Toyota Việt Nam triệu hồi 3.280 xe Avanza và Rush...
N.Hải
Nguyễn Hải - Thùy Dương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)