Thủy kích đối với ôtô là gì?
Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột.
Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ khiến các piston không thể di chuyển dọc xy lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần piston, các te và ổ đỡ trục khuỷu bị hư hỏng; nặng hơn khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ...
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện.
Xe ngập nước dù đẹp tới đâu cũng mất rất nhiều giá trị
Sau động cơ, hệ thống điện là thành phần tiếp theo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi bị ngâm nước hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút hay bộ điều khiển những trang bị như đèn, hệ thống giải trí, ghế chỉnh điện, loa…
Thông thường, khi bị ngập hệ thống điện thì buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc như chập cháy sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự triệt để.
Ngập nước là nỗi đau đầu của cánh tài xế mỗi khi mùa mưa tới. Ảnh: Tuấn Nguyên
Cách nhận biết ôtô bị ngập nước, thủy kích
Nghe tiếng nổ của máy
Nếu xe đã từng bị sửa chữa hoặc thay đổi thì tiếng máy phát ra sẽ có điểm lạ, không êm và có cảm giác không đáng tin. Nếu chưa tin vào khả năng phán đoán của mình thì hãy nhờ một người thợ lành nghề nào đó đi cùng để hỗ trợ.
Kiểm tra gầm và ống xả
Các chi tiết kim loại dưới gầm xe rất dễ bị gỉ nếu bị ngập nước, nhất là các con ốc bắt ống xả vào thân máy. Các xe đời mới đều có tấm che nhiệt, bắt trên các ống xả, phải tháo bộ phận này ra thì mới nhìn thấy các con ốc. Các con ốc này thường có màu vàng nâu, vì nhiệt độ ở vị trí máy rất cao nên nếu tháo ra thì sẽ có dấu vết để lại.
Quan sát đèn pha
Nếu xe từng bị ngập nước thì vỏ đèn pha sẽ có các dấu hiệu như xuất hiện ngấn nước, ố vàng, mờ, có hơi nước hoặc vết xước do cậy ra để lau chùi.
Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra những con ốc tại vị trí kín ở cốp xe. Nếu chúng han gỉ thì nhiều khả năng xe đã bị ngập nước. Bên cạnh đó, hãy sờ thử và lật thảm trải sàn lên xem có bùn bám ở đó không để củng cố "bằng chứng".
Quan sát toàn bộ ốc, bu lông bắt máy
Việc quan sát toàn bộ ốc và bu lông sẽ phần nào giúp bạn biết được động cơ đã bị tháo ra để sửa chữa hay chưa. Nếu ốc sáng bóng, gỉ sét hoặc bị xước và có vết kẹp, tháo vặn thì khả năng là động cơ đã bị đem ra ngoài để sửa chữa.
Kiểm tra nội thất của xe
Một chiếc xe có mùi ẩm mốc rõ rệt thì nhiều khả năng đã bị ngập nước, thủy kích. Để che giấu, chủ xe hoặc gara có thể sẽ xịt rất nhiều nước hoa để át mùi. Do đó, bạn chỉ cần vào trong xe, đóng cửa lại và tắt điều hòa đi, nếu thấy mùi nước hoa quá nồng hoặc mùi ẩm mốc thì nên "né" chiếc xe đó ra.
Cần kiểm tra, quan sát kỹ hơn với những xe có dấu hiệu bị "bổ máy" vì thủy kích. Lật thảm trải sàn, kiểm tra phần cuống của dây đai an toàn, dưới chân phanh, chân ga, bu lông, gầm ghế, đồng hồ táp-lô, màn hình,... Nếu từng bị ngâm nước thì chúng sẽ ố vàng, loang lổ hoặc hoạt động chập chờn.
Chạy thử xe
Nếu việc quan sát chưa đủ để bạn đưa ra kết luận thì hãy cảm nhận khả năng vận hành của xe bằng cách chạy thử. Đầu tiên, bạn khởi động máy xem có khói từ ống xả không và nghe xem tiếng nổ có gì bất thường không.
Sau đó, tăng tốc để cảm nhận được chân ga, hệ thống phanh, hệ thống lái... Đừng quên chú ý đến mức tiêu hao nhiên liệu của xe xem có tiêu hao nhiều không. Sau khi chạy xong khoảng 10 phút thì mở nắp ca-pô để kiểm tra nhiệt độ của máy, nếu ấm nóng và vẫn chạm tay vào được thì máy còn nguyên.