Hò giao đãi trên các ghe trưng bày tái hiện hoạt động chợ trên sông trong Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng 2017. Ảnh: KIỀU MAI
Nhiều hoạt động phong phú
Để tôn vinh và quảng bá Di sản Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, hàng năm, UBND quận Cái Răng đều tổ chức Ngày hội. Năm nay, Ngày hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9-7, tại Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng (số 17/2 đường Võ Tánh) và một số điểm phụ cận trên địa bàn quận Cái Răng và Ninh Kiều. Quy mô được mở rộng, các hoạt động đa dạng và được nâng chất hơn.
Có 16 hoạt động, trong đó điểm nhấn là lễ khai mạc, diễu hành tàu du lịch trên sông, tổ chức hoạt động chợ và trò chơi trên sông, giải đua vỏ composite, hội thảo “Giải pháp thu hút thương hồ và khách tham quan tại chợ nổi”.
Bên cạnh đó, Ngày hội còn nhiều hoạt động sôi nổi khác như: giao lưu đờn ca tài tử, gian hàng ẩm thực, bánh dân gian Nam bộ, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống, mô hình nông nghiệp, hoa cảnh, trái cây đặc sản, triển lãm bộ ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa, đua thuyền rồng, hội thi tạo hình, trang trí các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương, hội thi sáng tạo quà lưu niệm… Lễ khai mạc diễn ra vào ngày 7-7 tại Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng với chương trình biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng công phu, nhấn mạnh những nét đặc trưng trong đời sống của người dân miền sông nước. Trước đó, đoàn diễu hành ghe, tàu trên sông (khoảng 50 chiếc) sẽ xuất phát từ Bến Ninh Kiều di chuyển đến chợ nổi để tạo không khí sôi nổi, náo nhiệt cho Ngày hội.
Tại khu vực chính trên đường Võ Tánh, các hoạt động: triển lãm ảnh, các gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch, ẩm thực, hội thi tạo hình, trang trí các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương, hội thi sáng tạo quà lưu niệm cũng diễn ra xuyên suốt từ 7g00-22g00 mỗi ngày. Tại đây, du khách có thể tham quan 120 gian hàng, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, nông sản, các sản phẩm du lịch Cái Răng cũng như các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, nơi đây sẽ tái hiện một số hoạt động của làng nghề truyền thống như: dệt chiếu, đan thúng, đan lục bình… với các nghệ nhân biểu diễn trực tiếp và hướng dẫn du khách trải nghiệm. Ban tổ chức cũng bố trí khoảng 15 chiếc ghe thể hiện cảnh mua bán trên chợ nổi phục vụ du khách. Ông Bùi Hữu Sang, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Cái Răng, cho biết: “Biểu diễn đờn ca tài tử sẽ được trình diễn tại chợ nổi và khu vực chính. Từ 5g00-9g00 sáng, nhóm nghệ sĩ sẽ biểu diễn đờn ca tài tử trên chợ nổi, sau đó mới di chuyển lên bờ biểu diễn phục vụ du khách. Mỗi đêm tại sân khấu chính sẽ có chương trình giao lưu đờn ca tài tử phục vụ du khách đến tham quan, giải trí”.
Ngày hội không chỉ có các hoạt động du lịch, văn hóa mà còn có hoạt động thể thao hấp dẫn, đó là giải đua vỏ Composite ĐBSCL. Năm nay giải đua được nâng chất mở rộng với 120 vận động viên đến từ 8 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL tham dự.
Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, Trưởng ban tổ chức Ngày hội, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ đón trên 40.000 lượt khách tại Ngày hội. Bên cạnh việc quảng bá chợ nổi, Cái Răng còn chú trọng giới thiệu các loại nông sản sạch, làng nghề, ẩm thực, các tuyến, điểm du lịch của địa phương đến du khách gần xa.
Đây là cơ hội để du lịch Cái Răng quảng bá trực tiếp, tìm hiểu nhu cầu du khách và thị trường, làm cơ sở xây dựng sản phẩm phù hợp và thương hiệu cho du lịch của quận”. UBND quận Cái Răng cũng kết hợp với các ngành hữu quan xây dựng kế hoạch phân luồng các tuyến giao thông, đảm bảo lưu thông an toàn cho du khách.
Các món ăn, trái cây bày bán tại Ngày hội đều được tuyển chọn từ những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, giá cả được niêm yết công khai. Công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, phòng cháy chữa cháy được siết chặt. Các lực lượng túc trực thường xuyên tại khu chính diễn ra hoạt động và tuần tra trên chợ nổi Cái Răng, khu vực Bến Ninh Kiều.
Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch Cái Răng
Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 5km, Cái Răng là vùng đất được nhiều du khách biết đến với điểm đến nổi tiếng là chợ nổi Cái Răng. Không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng tích hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể: tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian (đờn ca tài tử)… và những di sản này vẫn đang được gìn giữ, lưu truyền thông qua nhiều hình thức. Bên cạnh Đề án Bảo tồn và Phát triển Chợ nổi Cái Răng thì Ngày hội cũng là phần quan trọng trong bảo vệ di sản, từng bước định hình cho thương hiệu du lịch Cái Răng.
Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhấn mạnh: “Trước hết, Ngày hội phải hướng đến chất lượng, phải thể hiện được nét văn hóa đặc thù, bản sắc của địa phương, quảng bá được thương hiệu du lịch Cái Răng”.
So với năm đầu tiên thì số lượng gian hàng năm nay đã tăng gấp 3-4 lần, các hoạt động có tính tương tác với du khách cũng được chú trọng hơn, nhất là các hoạt động gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân chợ nổi (mua bán trên sông, các hoạt động chuyền dưa hấu, bắp cải…), phát huy nét văn hóa sông nước đặc thù, đặc trưng của du lịch Cái Răng. Mặt khác, nông sản của Cái Răng cũng được du khách biết đến nhiều hơn, ngày hội lần này có hơn 40 loại trái cây được quảng bá, giới thiệu, trong đó có không ít loại là đặc sản địa phương: mít không hạt, ổi không hạt, cam sành…
Ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, đánh giá: “Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là một trong những sự kiện đặc trưng mà ngành du lịch thành phố đang phối hợp với các quận, huyện để xây dựng thành chuỗi sự kiện về văn hóa lễ hội, trở thành du lịch cho Cần Thơ. So với các năm trước, Ngày hội từng bước quy mô và chuyên nghiệp hơn, tạo được nét riêng cho du lịch Cái Răng với những điểm nhấn nổi bật riêng về bản sắc văn hóa sông nước”.
Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng qua Ngày hội, việc bảo tồn và phát triển chợ nổi sẽ được phát huy, từng bước tạo thêm cho Cái Răng có nhiều sản phẩm du lịch. Bước đầu, Ngày hội đã tạo được sự kết nối cho các nhà vườn, các tiểu thương với du khách; từng bước quảng bá được các sản phẩm du lịch, nông sản của địa phương”.
Lịch diễn ra các hoạt động của ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng 2018
- Lễ khai mạc diễn ra lúc 7h, ngày 7-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh
- Diễu hành tàu du lịch, 5h30, ngày 7-7, từ Bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng. - Giải đua vỏ composite ĐBSCL lần IV, lúc 9h, ngày 7-7, tại bờ kè thuộc khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. - Đua thuyền rồng diễn ra lúc 8h ngày 8-7, tại bờ kè thuộc khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. - Hoạt động chợ trên sông diễn ra lúc 6h từ ngày 7 đến 9-7, tại khu trung tâm chợ nổi Cái Răng. - Khu gian hàng giới thiệu sản phẩm truyền thống, mô hình nông nghiệp, hoa cây cảnh, mua bán các loại trái cây đặc sản diễn ra lúc 7h, từ ngày 7 đến 9-7, tại 17/2 đường Võ Tánh. - Hội thảo “Giải pháp thu hút thương hồ và khách tham quan tại chợ nổi Cái Răng”, diễn ra lúc 14h, ngày 8-7 tại hội trường UBND quận Cái Răng. - Hội thi tạo hình, trang trí từ các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng địa phương, hội thi sáng tạo quà lưu niệm… diễn ra lúc 7h, ngày 7 đến 9-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh. - Các gian hàng ẩm thực, bánh dân gian Nam Bộ, viết thư pháp, triển lãm ảnh…diễn ra lúc 7h, ngày 7 đến 9-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh. - Giao lưu đờn ca tài tử từ 6h-9h các ngày trên chợ nổi, từ 9h-22h các ngày tại sân khấu chính, số 17/2 đường Võ Tánh. - Chương trình văn hóa, văn nghệ tổng hợp, từ 19h-21h, ngày 7 đến 9-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh. - Các trò chơi dân gian, hội thi chuyền dưa hấu, bắp cải diễn ra lúc 8h, ngày 9-7 tại khu vực chợ nổi Cái Răng và Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng, số 17/2 đường Võ Tánh. - Lễ bế mạc diễn ra lúc 19h, ngày 9-7, tại số 17/2 đường Võ Tánh. |
Nguồn: ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)