Mua hàng thời trang thương hiệu Việt. Ảnh: THÀNH TRÍ
Bỏ ngỏ thị trường?
Phân tích quy mô thị trường ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết, nước ta có dân số gần 100 triệu người. Chi tiêu cho hàng dệt may của người Việt hiện chiếm 5-6% chi tiêu, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước chỉ tập trung phát triển xuất khẩu nên thị phần trong nước nhường cho doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là lý do mà hàng loạt thương hiệu may mặc lớn của thế giới như Zara, Uniqlo, H&M, Topshop… liên tục gia tăng sự hiện diện tại thị trường nội.
Ở khía cạnh khác, tâm lý chuộng hàng ngoại còn khá phổ biến trong đại đa số người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Nắm bắt được thị hiếu này, những sản phẩm dệt may hàng hiệu trên đã đưa ra những phân khúc sản phẩm rất phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng trong nước.
Không những thế, nhằm đáp ứng xu hướng “thời trang nhanh” của người tiêu dùng, các doanh nghiệp ngoại đã rút ngắn thời gian từ khâu tạo mẫu thiết kế đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 7 - 10 ngày.
Tốc độ khó doanh nghiệp Việt nào có thể đua được. Một khó khăn khác khiến cho doanh nghiệp nội không thể phát triển thị phần trong nước là chi phí thuê mặt bằng để mở hệ thống cửa hàng quá cao. Ngay cả những doanh nghiệp có thương hiệu lâu đời hoặc quy mô sản xuất lớn như Việt Tiến, An Phước, Phong Phú… cũng khó kham nổi.
Trên thị trường nước ngoài, Việt Nam nằm trong tốp 27 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Riêng dệt may, Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có sản phẩm dệt may xuất khẩu mạnh sang thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng hơn quy mô khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phủ rộng 180 quốc gia.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) nếu được thông qua trong năm nay, thì đầu năm 2020 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và dệt may nói riêng đạt được nhiều lợi thế hơn nữa.
Hơn 70,3% dòng sản phẩm Việt Nam xuất sang EU được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Sau 10 năm, thuế ưu đãi cho dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đạt 99%. Đây là điều kiện ưu đãi tốt nhất mà Việt Nam đạt được với các đối tác trên thế giới.
Một thị trường khác cũng được kỳ vọng cao, đó là Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) với 5 quốc gia thành viên gồm Armenia, Belarus, Kazakhsan, Kyrgyzstan và LB Nga.
Trên thực tế, đây là thị trường truyền thống của sản phẩm dệt may Việt Nam. Hàng dệt may Việt Nam có lợi thế lớn do tâm lý người tiêu dùng thị trường này rất ưa chuộng. Hiện những nút thắt như logistics, hệ thống thanh toán tài chính cũng đang được tháo gỡ.
Dự kiến, năm 2020, đây sẽ là thị trường xuất khẩu bùng nổ của lĩnh vực dệt may, da giày Việt Nam. Theo thương vụ Việt Nam tại Nga, kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EAEU đạt gần 4 tỷ USD - một con số còn khá khiêm tốn so với mức nhập khẩu của các nước khu vực này lên đến hơn 150 tỷ USD/năm.
Giảm sức ép cạnh tranh
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, việc duy trì thị phần xuất khẩu dệt may và xu hướng ngày càng mở rộng là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro cho xuất khẩu, doanh nghiệp nội cần phải trụ vững trên sân nhà.
Hiện những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dệt may trong nước phát triển thị phần nội cũng đã được định hình. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với hệ thống thương mại điện tử hoặc tự đầu tư phát triển thương mại điện tử, triển khai bán hàng qua mạng hoặc cung cấp dịch vụ qua mạng để tăng thị phần tiêu thụ nội địa. Ở những doanh nghiệp có nội lực hơn như công ty Việt Tiến đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm thiết kế thời trang.
Tương tự, với Tổng công ty Đức Giang, cùng với phát triển thiết kế sản phẩm, công ty tập trung đầu tư xây dựng phát triển các thương hiệu may mặc riêng như Paul Downer, HeraDG, Forever Young…
Một số doanh nghiệp dệt may khác như Công ty May Nhà Bè, May 10... còn đầu tư đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phong phú, chất lượng, kiểu dáng và thay đổi nhanh theo xu thế của thời trang quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam gia nhập hàng loạt FTA đã làm tăng độ mở cho thị trường trong nước lên 200%. Do vậy, cùng với những nỗ lực cải thiện thị phần tiêu thụ trong nước, cần thiết phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái cơ cấu kinh tế, nhất là cải thiện về vốn đầu tư, quy mô sản xuất, công nghệ và trình độ quản trị… để tăng khả năng cạnh tranh với thương hiệu ngoại nhập.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM, nhấn mạnh thêm, ngoài cải thiện công nghệ, phát triển sản xuất xanh, sạch thì cơ quan chức năng cần tăng tốc trong giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu.
Trên thực tế, hiện 60% nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc tận dụng lợi thế từ FTA đã ký kết sẽ không được như kỳ vọng.