Xuất khẩu dệt may lo khó đạt mục tiêu 40 tỷ USD.
Đơn hàng thưa thớt
Theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó những năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, giảm mạnh so với năm 2018. Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tính đến nay, lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Một số DN xuất khẩu chỉ lo đơn hàng đến hết quý III. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, Nhà Bè, May 10 cũng không dồi dào đơn hàng như sáu tháng cuối năm 2018. Không chỉ thế, nhiều DN còn cho biết không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.
Số liệu từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, chín tháng qua, ngành chỉ đạt 29,29 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt khoảng 75% kế hoạch. Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex lo lắng, với tình hình đơn hàng như hiện nay, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019 là cực kỳ khó khăn.
Theo lý giải của Vinatex, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc phức tạp và kéo dài ảnh hưởng tới dệt may Việt Nam, trong đó ngành sợi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tháng 3 và tháng 4, thị trường sợi có chút khởi sắc khi đàm phán Mỹ - Trung Quốc phát triển theo chiều hướng thuận lợi. Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6 và 8, hai nước lớn tiếp tục áp và tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của đối phương khiến thị trường sợi phủ bóng đen ảm đảm. Giá giảm, nhu cầu yếu khiến các DN sợi chật vật, mức lỗ càng ngày càng tăng, thậm chí đã có những DN phải đóng cửa.
Không tự tin sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đặt ra từ đầu năm, năm 2019 này, ngành dệt may dự kiến chỉ đạt khoảng 39,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. “Cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt, việc đạt được mức tăng trưởng 9-9,5% trong năm nay, với kim ngạch khoảng 39,5 tỷ USD đã là kết quả tốt”, ông Cẩm nói.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay, nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn. Trong khi đó, dung lượng của thị trường dệt may thế giới không thay đổi nhiều qua, thậm chí nhập khẩu hàng dệt may tại một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong chín tháng năm nay đã sụt giảm.
Đáng chú ý, khó khăn của ngành dệt may là khó khăn chung của nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may trong năm. Thậm chí, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam còn được đánh giá là khả quan hơn nếu so với các quốc gia khác. Tính đến hết quý III, dù ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt 9,1% tăng trưởng xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng lại là mức tăng trưởng cao nhất so với các cường quốc dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
Thị trường chưa khởi sắc
Chỉ còn khoảng hai tháng nữa sẽ kết thúc năm 2019, đồng nghĩa chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn cho ngành dệt may “xoay sở” để về đích. Điều đáng lo là thị trường chưa có dấu hiệu sáng.
Ở thời điểm hiện tại, giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trên dưới 60 Uscent/lb, thấp hơn khá nhiều so với mức giá “đỉnh” là gần 80 Uscent/lb vào tháng 4-2019. Việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại, cả thương nhân và người mua cuối cùng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho. Vì vậy, thị trường vẫn chưa tìm thấy tín hiệu tích cực, lạc quan nào để hỗ trợ giá bông ở thời điểm hiện tại.
Thị trường sợi vẫn chìm sâu trong khủng hoảng, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các DN sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.
Đối với các DN may, tuy không chịu tác động trực tiếp từ xung đột thương mại nhưng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm, các DN như May 10, Đức Giang, Hòa Thọ, Hanosimex cũng mới chỉ có đơn hàng đến tháng 11, chỉ riêng Việt Tiến là có đơn hàng đến hết năm. Lo ngại là hầu hết khách hàng khá thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn do nghe ngóng tình hình thế giới, đặc biệt ép giá thấp hơn so với năm 2018, dẫn đến lợi nhuận DN sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.
Với những khó khăn được chỉ rõ, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, các DN trong ngành cần tập trung tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, thị trường sợi sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Sự tăng trưởng của ngành sợi, cộng với sức tăng trưởng rất ổn định của ngành may những tháng cuối năm, các đơn vị thuộc tập đoàn kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2019, góp phần hoàn thành kế hoạch chung 40 tỷ USD của cả ngành.
Về lâu dài, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đối với ngành dệt may, về lâu dài, khi khoa học - công nghệ được áp dụng thì lợi thế về lao động sẽ không còn được duy trì. Trong khi đó, giá lao động ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, năng suất lao động thấp, nguồn nhân lực không còn dồi dào như trước đã gây áp lực không nhỏ cho DN. Do đó, DN dệt may cần tiếp tục đổi mới công nghệ để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho sản phẩm.