Công nghiệp nhuộm (vải, sợi) thuộc nhóm loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản do Thứ trưởng Trần Quý Kiên ký ban hành, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về tình trạng công nghiệp dệt – nhuộm không phát triển được do khó đáp ứng yêu cầu bền vững môi trường.
Văn bản này nêu, công nghiệp nhuộm (vải, sợi) thuộc nhóm loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục IIa, Mục I Nghị định số 40/2019/NĐCP ngày 13-5-2019 của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn các loại hình khác (như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố; Khu công nghiệp có sự bổ sung ngành, nghề thuộc nhóm Phụ lục IIa so với báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc lập lại báo cáo ĐTM; Phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 1400; phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục;…)
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh là một trong những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích phát triển theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2014.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam từ năm 2009. Các sản phẩm được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam sẽ được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14-02-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm). Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng tiêu chí chứng nhận nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm dệt may và sẽ công bố tiêu chí này trong năm 2020.
ANH PHƯƠNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)