tìm hướng mở rộng thị trường Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Trung tâm thời trang M2 (quận Đống Đa, Hà Nội).
Đa dạng mẫu mã, sản phẩm
Trưởng phòng Ma-két-tinh (Tổng công ty May 10) Bùi Đức Thắng cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc về Việt Nam bị gián đoạn, DN không có hàng để sản xuất. Khi nguồn cung nguyên liệu được phục hồi, cũng là lúc các thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam như Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ đóng cửa để phòng dịch Covid-19 lây lan. Khó khăn liên tiếp làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của DN. Trước thực trạng này, May 10 đã chủ động nghiên cứu, sản xuất mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế. Đến nay, những sản phẩm đó không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước mà còn được các DN lớn nước ngoài liên hệ, đặt mua với số lượng lớn, góp phần ổn định doanh thu của DN. “Với hướng đi riêng của mình, May 10 vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho gần 12 nghìn người lao động” - ông Thắng tự hào chia sẻ.
Trong thời gian tạm dừng kinh doanh cửa hàng thời trang theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã tập trung năng lực để sản xuất các đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn; khẩu trang thời trang có kháng khuẩn và chuẩn bị nguồn hàng thời trang mùa hè. Đến nay, hơn 120 điểm bán trên toàn quốc của May 10 đã mở cửa trở lại và sẵn sàng cung cấp các dòng sản phẩm có mức giá từ trung bình khá đến cao cấp. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như áo sơ-mi, quần âu, May 10 đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế như dòng sản phẩm thời trang cao cấp, đa phong cách Eternity GrusZ; dòng sản phẩm May 10 M series; sản phẩm áo dài cách tân hay dòng sản phẩm ECO có đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên. Các sản phẩm này gồm các chất liệu tơ tằm, lanh, vải sợi tự nhiên,… không gây hại cho môi trường và người sử dụng.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, để hạn chế khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra, ngay từ khi dịch xuất hiện, công ty đã bắt tay vào sản xuất và cung ứng các dòng khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế với giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, công ty tập trung nghiên cứu, đưa ra những dòng sản phẩm áo sơ-mi, thời trang công sở đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất liệu. Với cách thức bài bản, công ty đã thành lập riêng một trung tâm thời trang để nghiên cứu, thiết kế mẫu. Do có sự đầu tư nên doanh thu từ bán hàng trong nước của công ty đã tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 16 nghìn người lao động. Đánh giá về việc phát triển thị trường nội địa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, bên cạnh thị trường xuất khẩu, hơn 10 năm qua, Vinatex và các đơn vị thành viên đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm cung ứng ra thị trường trong nước. Nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng sản phẩm ngày càng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội, phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Xây dựng thương hiệu chuẩn quốc tế
Nhu cầu về ăn mặc, nhất là quần áo thời trang của người dân ngày càng cao, đã thu hút không ít DN quốc tế có thế mạnh về tài chính, hệ thống phân phối khắp toàn cầu tham gia thị trường Việt Nam. Hiện tại, hơn 200 thương hiệu nước ngoài đang có mặt ở thị trường trong nước, cung ứng các sản phẩm từ trung tới cao cấp. Mặc dù hầu hết các thương hiệu này mới tham gia thị trường trong ba năm trở lại đây, nhưng mức tăng trưởng lại rất ấn tượng, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm như Zara, H&M, Uniqlo,... Nhận định về sức ép của các DN nước ngoài đối với DN trong nước, Trưởng phòng Ma-két-tinh (Tổng công ty May 10) Bùi Đức Thắng cho rằng, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN trong nước nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học dựa trên phản ứng của thị trường đối với các nhãn hiệu để có những điều chỉnh phù hợp về chiến lược sản phẩm, cách thức tiếp cận và phục vụ khách hàng. May 10 tự tin với mạng lưới phân phối, lợi thế về nguồn lực và chi phí,... sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các DN có tiếng trên thế giới.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, Vinatex đã và đang phát triển hệ thống trung tâm thời trang nhằm giúp các DN có thêm một kênh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, nhất là các DN vừa và nhỏ. Mặt khác, thị trường bán lẻ dệt may từ trước đến nay là thị trường phân tán, rời rạc, với nhiều thành phần tham gia và nhiều nguồn cung. Trong khi đó, những cái tên có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay, so với tổng số lượng nhà cung cấp. Do đó, việc hình thành được thương hiệu thu hút sự trung thành của khách hàng là một trong những chiến lược quan trọng nhằm chiếm lĩnh được thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, “mặt trái” tác động chính là các loại hàng hóa, sản phẩm của nước ngoài tràn vào càng ồ ạt. Điều đó đồng nghĩa với việc khó khăn của DN trong nước sẽ tăng gấp nhiều lần, nỗi lo mất “sân nhà” cũng sẽ dần trở thành hiện thực.
Trước “cái bóng” quá lớn của các thương hiệu quốc tế, DN trong nước muốn thành công bắt buộc phải tìm cho mình hướng đi riêng, lựa chọn thị trường ngách phù hợp dựa trên nghiên cứu thị trường kỹ càng, khắc phục khó khăn, áp lực về vốn, công nghệ, thiết kế, nguồn nhân lực; có hướng xây dựng hình ảnh, thương hiệu, mang đến giá trị cốt lõi cho người tiêu dùng. Cần sớm giải được các bài toán về nguyên liệu đầu vào, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, xây dựng một thương hiệu thời trang chuẩn quốc tế của người Việt Nam; tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, ít tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường, đồng thời tạo đà cho công tác đầu tư mới trên tinh thần nắm bắt cơ hội, đầu tư thông minh, phát triển bền vững,...
BÀI VÀ ẢNH: QUỲNH CHI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)