Cho đến nay, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ tiềm lực đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Ảnh: ĐỨC HUY
Dù liên tục lập kỷ lục khi kim ngạch xuất khẩu tăng cao qua từng năm với mức tăng trưởng lên đến hai con số, song không có nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam chú ý đúng mức đến đầu tư vào nguyên phụ liệu. Sự thiếu đồng bộ của cơ chế chính sách cũng khiến cho ngành này mãi ở mức gia công đơn thuần, giá trị thấp.
Loay hoay bài toán nội địa hóa
Khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay, chuỗi cung ứng nguyên liệu của ngành dệt may (DM) bị đứt gãy khiến cho nhiều DN DM “ngồi trên đống lửa”. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DM Việt Nam thừa nhận, hiện nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành DM đang chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc. Trong đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Chưa kể, Việt Nam chưa làm chủ và phát triển được các công đoạn sản xuất như nhuộm, chế tạo các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp. Đó là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng chưa cao.
Vì sao DN không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu? Muốn trả lời câu hỏi này, cần nhìn vào hiện trạng ngành DM hiện nay. Suất đầu tư cho một nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng). Trong tổng số 8.450 DN DM, có 85% số DN có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng. Trong số 15% còn lại, số DN ở mức quy mô vốn 500 tỷ đồng chỉ chiếm 3%. Vậy nên, đầu tư vào sản xuất nguyên liệu là quá sức, quá tầm đối với phần lớn DN, chưa kể, rủi ro còn cao hơn nếu như nhà đầu tư không vào được chuỗi sản xuất.
Mỏng về tiềm lực, các DN lại chưa nhận được sự hỗ trợ thích ứng từ bà đỡ chính sách. Trong khi cả nước vẫn chưa có một khu vực riêng cho các DN nguyên phụ liệu DM, thì nhiều địa phương còn từ chối các dự án dệt nhuộm do lo ngại về môi trường. Thêm nữa, vẫn còn nghịch lý về chi phí logistics. Chẳng hạn như, phí từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh đắt hơn từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Muốn gia tăng giá trị, cần phải hóa giải được con số 65% hàng xuất khẩu của Việt Nam là thuần gia công (CMT). Chỉ khi chúng ta nâng được tỷ lệ xuất FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) cao hơn mức 25% hiện nay, và phát triển ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng) lên mức tỷ lệ lớn hơn con số 10%, thị phần của DM Việt Nam mới được mở rộng đáng kể. Đáng tiếc thay, theo như nhận định của ông Trương Văn Cẩm, dù đã có những DN đi theo hướng ODM, phát triển bộ phận thiết kế từ các nhân sự được đào tạo ở nước ngoài, nhưng đến nay vẫn chưa bắt kịp được xu hướng thời trang thế giới. Việt Nam chưa có các nhà thiết kế tầm cỡ và cũng chưa đầu tư đủ cho vấn đề này.
Mục tiêu có khả thi?
Ngày 6-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (NQ 115). Các DN DM đang trông đợi, NQ 115 sẽ tháo gỡ được nút thắt bấy lâu nay về nguyên phụ liệu DM. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành DM đạt 65%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Liệu trong 5 năm tới, chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu này?
Thách thức đầu tiên là khơi thông nguồn vốn đầu tư, NQ 115 đã đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bảo đảm tính hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và UBND các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; Tổng hợp nhu cầu cấp bù lãi suất của các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm… Cùng đó NQ 115 cũng nhấn mạnh xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành.
Như vậy, về phía quản lý Nhà nước đã có những bước đi quan trọng, giờ là lúc các DNDM cũng phải nắm bắt cơ hội để gia tăng hàm lượng giá trị sản phẩm thông qua việc đầu tư vào sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến là chủ động liên kết với khách hàng nhằm hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các khu vực.
Kinh nghiệm từ Eurolink, một công ty sản xuất sản phẩm thời trang của Giovanni Group cho thấy, muốn áp dụng phương thức sản xuất ODM, DN phải tổ chức được phần thiết kế và sản xuất các bộ sưu tập thời trang theo mùa. Việc thuê thiết kế nước ngoài sẽ giúp Eurolink tạo ra các sản phẩm được tư duy bởi người bản địa, quốc gia công ty có ý định bán hàng. Hiện công ty xây dựng các kênh bán hàng trực tiếp đến người dùng châu Âu, đồng thời hợp tác với một số nhãn hàng danh tiếng, để được ủy quyền từ thiết kế đến giao hàng.
Nhìn lại quá trình một năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có thể thấy tỷ lệ tận dụng lợi thế đối với ngành DM là không đáng kể bởi DN hầu như chưa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là điều sẽ hạn chế DN Việt Nam đón bắt cơ hội thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), đã có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Chỉ khi giải được bài toán nguyên phụ liệu, và gia tăng hàm lượng sáng tạo, DNDM mới có thể vươn lên thứ hạng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và Nhà nước sẽ tạo thêm động lực quan trọng khi đồng hành cùng các DN, tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững cho một ngành mũi nhọn. Nói như TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mê Công - Trung Quốc (MCSS), muốn đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo, rất cần Nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp...
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của ngành dệt may là việc, mới chỉ tham gia vào chuỗi giá trị ở phân khúc thấp, trong khi phần thương hiệu và thiết kế là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất lớn vẫn còn hạn chế.
Tổ chức chuyên đề:Vũ Mai Hoàng, Lưu Lan Hương, Lê Đức Nghĩa
BẢO LÂM - LÊ NGHĨA - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)