Cửa hàng thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội).
Sụt giảm doanh thu
Phố Thái Hà - Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) được biết đến là một trong những tuyến phố thu hút đông đảo người dân trên địa bàn đến mua sắm hàng may mặc. Khác với sự nhộn nhịp, tấp nập trước đây, hiện lượng người ra vào mua bán rất ít, thi thoảng mới có vài ba lượt người vào mua sản phẩm. Chị Tạ Thị Hằng, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Chùa Bộc cho biết, chưa bao giờ phải đối diện với tình trạng vắng khách, èo uột sức mua như hiện nay.
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh thu của cửa hàng giảm mạnh, hàng tỷ đồng tiền hàng gần như bị “đóng băng”, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến tình trạng kinh doanh lại càng bi đát hơn, có hôm còn không có nổi một, hai khách.
Trong khi đó, chị Hằng phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi hạn thanh toán tiền thuê cửa hàng theo quý đang cận kề, tiếp đến tiền lương trả nhân viên bán hàng, tiền điện, nước cùng hàng loạt các loại phụ phí khác đang đợi chi trả (trung bình mất khoảng 80 triệu đồng/tháng) khiến chị như ngồi trên “đống lửa”, bởi thu không đủ chi, vốn liếng kinh doanh đang dần cạn kiệt. “Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn tôi phải tính toán lại, thậm chí đóng cửa hàng, tìm địa điểm khác giá rẻ hơn để kinh doanh chứ cố bám trụ ở đây sẽ rơi vào cảnh nợ nần, phá sản là điều khó tránh”, chị Hằng buồn bã cho biết.
Chung quan điểm, chị Nguyễn Hồng Thanh, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm, tình hình kinh doanh hiện đang rất khó khăn. Có ngày không bán được đồng nào do không có khách. Mặc dù cửa hàng tính toán, đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng nhưng cũng chẳng khấm khá hơn. Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, lượng khách hàng không được cải thiện, chắc chắn phải đóng cửa hàng, tìm hướng kinh doanh khác.
Chẳng riêng gì các cơ sở, cửa hàng kinh doanh hàng quần áo trên các tuyến phố mà các DN chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc có uy tín, thương hiệu trên thị trường cũng rơi vào khó khăn, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, bị tồn kho, gây thua lỗ. Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, công ty có hơn 100 cửa hàng kinh doanh, bày bán hàng may mặc nhưng do tình hình kinh doanh khó khăn cho nên đã đóng cửa gần hết các cửa hàng để tập trung vào làm hàng xuất khẩu.
Theo dự kiến, doanh thu nội địa của công ty sẽ bị giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh việc đầu tư, đẩy mạnh làm hàng xuất khẩu, công ty cũng đẩy mạnh, tăng cường bán hàng trực tuyến nhằm tăng doanh thu nội địa trong những tháng tới.
Tương tự, Tổng công ty May 10 hiện có khoảng 200 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc nhưng cũng phải đối mặt với tình trạng doanh thu nội địa sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do lượng khách hàng đến mua sản phẩm giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh.
Thích ứng linh hoạt tình hình mới
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm cho tình hình kinh doanh hàng may mặc nội địa gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm ngoái đến nay, hành vi của người tiêu dùng (NTD) thay đổi, nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao như veston, áo sơ-mi cao cấp giảm và chuyển sang những sản phẩm mang tính thông dụng như áo phông, áo thun, quần áo giá rẻ cho nên giá trị đơn hàng, giá thành sản phẩm đều giảm.
Mặt khác, do dịch bệnh, người dân ngại đến các cửa hàng mua sắm. Đó còn chưa kể tới các địa phương bị giãn cách, không được ra ngoài. Các trung tâm thương mại, mua sắm không được mở cửa, dẫn tới giảm cả lượng người tới mua sắm và giá trị các đơn hàng.
Do NTD có tâm lý “thắt lưng buộc bụng” hạn chế mua sắm hoặc chuyển sang mua các sản phẩm thông thường là những nguyên nhân dẫn tới việc giảm doanh thu của các cửa hàng kinh doanh may mặc trong thời gian vừa qua. Quần áo thời trang thường bán theo mùa vụ, ở những năm trước vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ là thời điểm hàng bán rất tốt, tạo cú huých để tăng doanh thu cho bán lẻ thời trang.
Tuy nhiên, năm nay, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hàng bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Để tăng doanh thu nội địa, ngoài việc bày bán sản phẩm tại hệ thống các cửa hàng, trung tâm thời trang của Vinatex thì việc bán hàng qua mạng, bán hàng trực tuyến cũng được Vinatex và các đơn vị thành viên tập trung phát triển.
Phó Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cũng cho biết thêm, đó là giải pháp tình thế, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát còn về lâu dài mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế, dập tắt, có như vậy lượng người đến mua sắm hàng hóa sẽ nhiều lên. Mặc dù bán hàng trực tuyến thời gian qua được mở rộng, phát triển nhưng cũng không thể thay thế hoàn toàn so với mua sắm trực tiếp, đặc biệt là ngành thời trang.
Ngoài phát triển kênh bán hàng trực tuyến, cần nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu mùa vụ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Trong đó, chú trọng về các loại chất liệu, giá thành sản phẩm rẻ nhằm tăng sự lựa chọn của khách hàng; định vị lại sản phẩm theo từng nhóm, xây dựng chiến lược marketing cho từng phân khúc, cần thực hiện đồng nhất và hiệu quả; nâng cao trải nghiệm khách hàng; hỗ trợ khách hàng có thể thanh toán qua nhiều kênh để thúc đẩy việc chi tiêu qua thương mại điện tử,...
Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết thêm, để tăng doanh thu nội địa, May 10 đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, chú trọng phát triển chuỗi cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc. Phát triển dòng sản phẩm giá rẻ như chăn, ga, gối, sơ-mi giá rẻ... tận dụng nguồn nguyên liệu tiết kiệm. Hợp tác với các trang mạng bán hàng trực tuyến uy tín như amazone.com, Shopee, Tiki, Lazada.vn,... Thời gian tới, May 10 tiếp tục nghiên cứu, chuyển đổi sản phẩm nhanh trong sản xuất, thích ứng linh hoạt với sản phẩm mới, đẩy mạnh kinh doanh nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu của NTD.
Có thể thấy, bên cạnh yếu tố tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của một bộ phận người dân, hiện lượng lớn hàng xách tay, hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch vào nội địa vẫn còn lớn dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thị trường nội địa của những DN làm ăn chân chính. Do đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó, góp phần làm trong sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NTD.
Tổng doanh thu nội địa của các DN Vinatex trong sáu tháng qua đạt 748 tỷ đồng, giảm 50,38% so với cùng kỳ năm 2020. Mức sụt giảm mạnh trong doanh thu nội địa các DN Tập đoàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mức tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng bị sụt giảm đáng kể. Giãn cách xã hội, cùng với thu nhập hộ gia đình suy giảm tác động tiêu cực đến tất cả các phân khúc bán lẻ, trừ các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.
(Nguồn Vinatex)
Bài và ảnh: Quỳnh Chi - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)