Xây dựng chính sách phù hợp
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại (tại Quyết định số 848/QĐ-TTg ngày 12-7-2018). Bộ Xây dựng cũng đã phê duyệt Văn kiện dự án này.
Theo đó, Dự án được tiến hành trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 11-2018, với mục tiêu nâng cao quyền được có nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, thông qua việc cải thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.
Nội dung gồm nghiên cứu và đề xuất Chiến lược phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tập trung vào nhóm đối tượng các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm góp phần sửa đổi Luật Nhà ở hiện nay.
Cần tạo điều kiện cho mọi cư dân đô thị đều tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Giám đốc Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” phía Việt Nam, cho biết: Theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì đến năm 2020 mục tiêu trên cả nước đạt 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đến nay trên cả nước chỉ đạt 30% so với mục tiêu, với khoảng 4 triệu m2 sàn. Hiện còn một số hạn chế do việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở. Nhà nước chưa cân đối bố trí được vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để thực hiện cho vay nhà ở xã hội. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, nhất là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo ông Hà Quang Hưng, trong giai đoạn vừa qua thị trường bất động sản phát triển “nóng”, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hầu như không tham gia phát triển nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp vì lãi suất vay vốn cao, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp. Người nghèo hoặc có thu nhập thấp cũng không thể vay vốn ngân hàng để mua nhà vì số tiền chi trả cho nhà ở quá lớn so với mức thu nhập. Trước tình hình thực tế trên, đòi hỏi phải nghiên cứu các cơ chế chính sách mới, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội.
Ông Moon Hyogon, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhà ở và Đất đai Hàn Quốc, Giám đốc Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” phía Hàn quốc, cũng cho biết dự án sẽ tạo ra đầu ra, tầm nhìn và mục tiêu chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam, các chính sách nhà ở xã hội, cải thiện hệ thống luật nhà ở xã hội.
Thông qua Xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở giá rẻ của các các hộ gia đình thu nhập thấp ở thành thị và công nhân trong các khu công nghiệp. Ngoài ra, còn có dự thảo phân khúc nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn tới. Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam có khoảng 3 triệu USD, nguồn vốn ODA Hàn Quốc, thông qua Văn phòng KOICA tại Việt Nam để cung cấp cho dự án.
Để người dân dễ tiếp cận hơn
Tại hội thảo vừa qua, Bộ Xây dựng lấy ý kiến các nhà quản lý, ngành chức năng, doanh nghiệp bất động sản vùng ĐBSCL với 7 nhóm vấn đề. Đó là về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; sự tham gia của khu vực công trong phát triển nhà ở xã hội; sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển nhà ở xã hội; quản lý và phát triển quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; về quỹ đất phát triển nhà ở; về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; cách xác định giá bán, thuê, mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức của chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, từ năm 2001 Cần Thơ mới bắt đầu hình thành các khu quy hoạch dân cư, khu đô thị, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng mới bắt đầu tìm hiểu về kinh doanh bất động sản và phát triển nhà ở. Giai đoạn 2001-2008 là thời kỳ phát triển nhà ở và thị trường bất động sản Cần Thơ sôi động, do nhu cầu thị trường lớn.
Từ năm 2016 đến nay, thị trường bất động sản Cần Thơ phát triển tốt, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang tập trung đầu tư vào thành phố. Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã triển khai được 5 dự án nhà ở xã hội với 1.743 căn hộ. Sở Xây dựng cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu về nhà ở năm 2018 của những đối tượng nhà ở xã hội bước đầu thì nhu cầu đến năm 2020 là 40.832 người (số người tương đương với căn hộ hoặc đơn vị nhà ở).
Ông Mai Như Toàn cũng đề xuất một số vấn đề thay đổi chính sách nhà ở. Đó là cần nghiên cứu và có sự phân biệt rõ ràng về đối tượng để thực hiện việc xây dựng chính sách phát triển nhà ở cho phù hợp tình hình thực tế Việt Nam và đặc thù vùng ĐBSCL.
Đối tượng có thu nhập cao sẽ tạo dựng nhà ở theo nhu cầu trên thị trường bất động sản; đối tượng có thu nhập trung bình không thể đủ điều kiện tạo dựng nhà ở theo thị trường nhưng có thu nhập có thể tích lũy qua thời gian để tạo dựng được nhà, đối tượng này cần được Nhà nước hỗ trợ mua nhà ở trả chậm, trả góp; đối tượng có thu nhập thấp không thể tích lũy để mua nhà nhưng có nhu cầu về nhà ở để ổn định cuộc sống, Nhà nước chỉ cho thuê nhà chứ không bán vì họ không thể mua… Ngoài ra, Nhà nước dùng chính sách để cùng nhà đầu tư tạo ra quỹ nhà ở xã hội có giá thấp cho đối tượng hộ gia đình thu nhập thấp thuê, mua trả góp…
Ông Lê Hà Luân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, cũng cho biết: Đồng Tháp đang nỗ lực trong vấn đề tạo quỹ nhà ở, đất ở cho người có thu nhập thấp có điều kiện ổn định chỗ ở lâu dài. Tập quán sinh sống của người dân ĐBSCL là nhà ở ven sông rạch và có thu nhập, nên Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam cần quan tâm hơn, cần bố trí lại cho ổn định. Với giá nhà ở xã hội như hiện nay, người dân thu nhập thấp với khoảng 9 triệu đồng/tháng cũng rất khó cân đối, nhất là trả lãi vốn vay ngân hàng.
Do đó, cần có chính sách riêng biệt để đối tượng người thu nhập thấp có thể tiếp cận sản phẩm nhà ở xã hội dễ hơn. Thời gian qua, các gói tài chính Chính phủ hỗ trợ cho nhà ở xã hội gần như Đồng Tháp chưa tiếp cận được, đây cũng là tình trạng chung của cả nước do nguồn vốn hạn chế.
Bài, ảnh: ANH KHOA - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)