Hết thời lách thuế bất động sản

Thứ ba, 14 Tháng 1 2020 10:46 (GMT+7)
Sau loạt bài “Lách thuế chuyển nhượng bất động sản” đăng trên Báo SGGP (số ra ngày 4 và 5-11-2019), nhiều người dân đã ý thức được nghĩa vụ phải khai thuế đúng.
Các chi cục thuế quận huyện cũng đã rà soát, chuyển hồ sơ cho công an xử lý những hồ sơ chuyển nhượng ở các dự án khai giá thấp hơn giá chủ đầu tư bán ra… Ý thức người dân được nâng cao, tình trạng trốn thuế đã được chấn chỉnh.
 
Tự nguyện nộp bổ sung 800 triệu tiền thuế
 
Vào giữa năm 2019, ông T.A. bán thửa đất 972 An Dương Vương (phường 13 quận 6) với giá 55 tỷ đồng. Nhưng tin vào bên mua và một số người hướng dẫn nên các bên đồng ý ký hợp đồng hạ giá thấp xuống để khai thuế ít, có lợi hơn. Hợp đồng công chứng được thực hiện với bản chính ghi giá bán 15 tỷ đồng, rồi lại ký tiếp bản điều chỉnh hợp đồng, ghi giá tăng lên bằng giá trị thực. Sau đó, lấy hợp đồng chính giá 15 tỷ đồng để đi khai thuế.
 
Đến đầu tháng 11, khi đọc loạt bài “Lách thuế chuyển nhượng bất động sản” trên Báo SGGP, ông T.A. mới phát hoảng vì biết việc hạ giá hợp đồng để khai thuế thấp có nguy cơ bị xử lý hình sự, đã vậy nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ không đòi được số tiền mà bên mua còn nợ. Do vậy, ông tự động ra ngân hàng nộp bổ sung 800 triệu đồng (2% của số tiền 40 tỷ đồng) vào Kho bạc Nhà nước.
 
Sau đó, ông T.A. làm đơn xin Chi cục Thuế quận 6 cho khai bổ sung số tiền khai thiếu này, chấp nhận nộp thêm tiền chậm nộp. Đồng thời yêu cầu bên mua ký lại hợp đồng đúng giá bán, quy định rõ điều kiện thanh toán, thời hạn thanh toán cũng như các phương thức đảm bảo theo đúng quy định pháp luật thì mới bàn giao sổ đỏ để tiến hành thủ tục sang tên.
Hết thời lách thuế bất động sản ảnh 1
Khai thuế tại đại lý thuế. Ảnh: CAO THĂNG
 
Đúng như dự đoán, đến nay, bên mua không thanh toán đủ số tiền nợ đúng hạn. Tài sản bị bên mua thế chấp ở ngân hàng, có nguy cơ bị ngân hàng xử lý thanh lý tài sản (dù bên mua chưa hoàn thành việc thanh toán cho bên bán). Tranh chấp sẽ phải đưa ra tòa xử lý. Gia đình ông đến Báo SGGP cảm ơn về bài viết, vì nhờ đó mà thiệt hại đã được ngăn chặn và thoát rủi ro mắc tội hình sự.
“Cảm ơn báo, nếu không, nay nộp hồ sơ ra tòa mà chúng tôi không cung cấp hợp đồng ghi giá thật thì mất tiền, mà cung cấp thì có nguy cơ bị xử lý về tội trốn thuế. Nhờ bài báo nên chúng tôi biết các quy định và chấn chỉnh từ đầu, giờ chúng tôi tự tin khởi kiện. Thoát rủi ro trong gang tấc…”, gia đình ông T.A. tâm sự.
 
Chấn chỉnh việc sang nhượng ghi giá thấp
 
Hiện Chi cục Thuế quận 10 đã chuyển nhiều hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế sang cơ quan công an để điều tra, xử lý. Chi cục phó Chi cục Thuế quận 10 cho biết, lâu nay có nhiều hồ sơ nhìn vào đã thấy bất hợp lý nhưng cơ quan thuế không thể xử được.
 
Chẳng hạn, giá căn hộ do chủ đầu tư bán ra là 2 tỷ đồng nhưng giá sang nhượng lại ghi chỉ 500 triệu đồng; có căn hộ cao cấp giá chủ đầu tư bán ra hơn 4,8 tỷ đồng, nhưng sang nhượng lại chỉ ghi giá 1 tỷ đồng (mặc dù cơ quan thuế phát hiện ra số tiền thanh toán 3 đợt đã hơn 4,5 tỷ đồng). Thế nhưng, khi cơ quan thuế mời đến làm việc thì các bên không hợp tác. 
 
Hiện nay, theo quy định, cơ quan thuế không có quyền triệu tập đương sự, mà chỉ có thể chuyển hồ sơ sang công an xử lý nếu thấy có dấu hiệu trốn thuế. Vì chỉ cơ quan công an mới có quyền triệu tập các bên. Dù bên mua không có trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng nếu đặt bút ký hợp đồng mua bán với giá thấp hơn giá trị giao dịch thực, thì cũng có thể phạm tội trốn thuế với vai trò đồng phạm.
 
Nếu sau khi điều tra, công an xác định số tiền trốn thuế chưa đến 100 triệu đồng - chưa đủ để xử lý hình sự - thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Sau khi bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm, sẽ đủ cơ sở để xử lý hình sự.
 
HÀN NI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Địa ốc - Bất động sản