Cần tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS

Thứ sáu, 10 Tháng 4 2020 08:04 (GMT+7)
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội nhằm kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS.
can thao go kho khan cho dn bds
 
Trong công văn số 24/2020/VNREA ngày 07/4 gửi Chủ tịch Quốc hội, VNREA cho hay, trong giai đoạn 3 năm vừa qua từ năm 2017, thị trường BĐS có sự phát triển ổn định, lành mạnh. Tuy nhiên, bước sang nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, thị trường gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều DN lớn đứng trước nguy cơ phá sản. Nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, thiệt hại do Covid-19 trong 3 tháng sẽ ở mức 5,9 - 7,7 tỷ USD. Thực tế này dẫn tới tình trạng “ảm đạm” của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn nói riêng, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của các DN kinh doanh trong lĩnh vực này.
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, giữ ổn định và tạo đà tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh trong các quý tiếp theo, VNREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế.
 
Về tín dụng
 
Đối với giải pháp về tín dụng, cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (ví dụ: giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch, 30% cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát); xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho DN (ví dụ giãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày dịch bệnh được kiểm soát), có gói vay với lãi suất ưu đãi cho DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Về chính sách thuế
 
Đối với giải pháp về thuế, cần giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DN như: Giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế.
 
Bên cạnh đó, VNREA đề nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến về việc miễn visa cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam.
 
Hoàn thiện văn bản pháp luật về BĐS du lịch
 
Theo VNREA, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch; Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp với lưu trú ngắn hạn, sửa đổi bổ sung Thông tư về quản lý, vận hành nhà chung cư với nội dung điều chỉnh cả đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp dùng để ở và sử dụng vào các mục đích khác (bao gồm căn hộ dùng để ở, cơ sở lưu trú du lịch, công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và các công trình khác); Bộ TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Các văn bản nêu trên đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các loại hình BĐS mới trên thị trường.
 
Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm được đề cập trong Chỉ thị số 11/CT-TTg, thị trường BĐS đã xuất hiện những loại hình mới như shophouse và các sản phẩm tương tự. Shophouse là loại hình BĐS mà chủ sở hữu có thể sử dụng để kinh doanh (mở cửa hàng kinh doanh, lưu trú) và nghỉ dưỡng. Đây là loại hình có nhiều lợi thế cạnh tranh, cho phép khai thác tối đa diện tích sử dụng, linh hoạt, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu thị trường.
 
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và kinh doanh BĐS, VNREA đề nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, bổ sung các sản phẩm shophouse nêu trên và các sản phẩm tương tự để giải quyết đồng thời với các sản phẩm BĐS được đề cập trong Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ban hành văn bản về chế độ sử dụng đất đối với các loại hình BĐS này.
 
Hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua NƠXH
 
Về nguồn vốn cho nhà ở xã hội (NƠXH), theo quy định của pháp luật (Luật Nhà ở), hàng năm Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua NƠXH. Bên cạnh đó 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
 
Như vậy, nếu cấp 1 nghìn tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25 - 30 nghìn tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho NƠXH. Tuy nhiên thực tế năm 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và DN xây dựng NƠXH. Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường BĐS phân khúc này vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng NƠXH như AZ Thăng Long, Hoàng Quân, Capital House, Eurowindow Holding… nhưng khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu NƠXH là rất lớn. VNREA kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua NƠXH theo 2 kênh: Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.
 
An Vũ - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Địa ốc - Bất động sản