Giải pháp cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội…
Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản do tình hình dịch Covid-19, một loạt các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã được ban hành.
Riêng đối với nhà ở xã hội, nối tiếp Nghị quyết số 41/NQ-CP mới được ban hành trong tháng 4/2020, tại Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ban hành ngày 29/5, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai ngay chính sách cho vay nhà ở xã hội sau khi được phân bổ 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất”.
Tại Nghị quyết 84, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố “rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các Ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) cho vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Có thể thấy, hai Nghị quyết ban hành liên tiếp trên của Chính phủ là những bước chuyển biến rất tích cực và là tin vui đối với thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở xã hội nói riêng. Bởi, thực tế cho thấy, cơ chế chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội được quy định rất cụ thể trong Nghị định 100/2015 của Chính phủ, nhưng không bố trí nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ phát triển nên các dự án rơi vào tình trạng khát vốn.
Chính vì vậy, việc Chính phủ yêu cầu cho các dự án nhà ở xã hội đang thực hiện dang dở được tiếp tục vay mới với lãi suất ưu đãi sẽ là đòn bẩy quan trọng để hàng trăm dự án nhà ở xã hội có thể quay trở lại thị trường.
Hiện, gói tín dụng được mong chờ nhất chính là giải pháp cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8%/năm hiện nay xuống bằng 50% lãi suất bình quân các Ngân hàng thương mại đang cho vay, tức khoảng 4%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ mà VBSP đang áp dụng là 4,8%/năm.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Còn theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội của ngân hàng này từ 2018 đến tháng 5/2020 trên phạm vi cả nước là trên 3.000 tỷ đồng với khoảng 9.260 khách hàng.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, với nguồn tái cấp vốn này có thể huy động được đến khoảng 60.000 tỷ đồng để hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội trong năm 2020 và vài năm tiếp theo, khó khăn về nguồn vốn cho nhà ở xã hội sẽ được tháo gỡ.
Ngoài nguồn tái cấp vốn này, các chuyên gia cũng cho rằng cần có cơ chế phát triển loại nhà ở thương mại giá thấp nhằm khuyến khích mở rộng thị trường nhà ở vừa túi tiền. Điều này nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận được cơ hội an cư…
Linh Đan - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)