Phải bán tháo nhà vì cạn tiền thanh toán theo tiến độ

Thứ ba, 18 Tháng 8 2020 08:06 (GMT+7)
Không thể xoay được tiền trả theo tiến độ của dự án do thu nhập giảm sút, nhiều người buộc phải rao bán nhà dạng "lúa non" hoặc chấp nhận trả nhà và chịu phạt
Mua nhà, căn hộ trả góp hoặc thanh toán theo tiến độ từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đến nay, rất nhiều người đang hết sức khổ sở vì không xoay kịp tiền để thanh toán cho chủ đầu tư theo kỳ hạn hay trả góp gốc và lãi hằng tháng cho ngân hàng.
 
Chị Phạm Thu Hồng (ngụ quận 2, TP HCM) trước đây được ngân hàng nơi chị làm việc bảo lãnh vay vốn để mua căn hộ tại một dự án ở quận 9, TP HCM. Đầu năm nay, khi dịch Covid-19 xảy ra, vì là mẹ đơn thân nên chị xin nghỉ không lương 1 tháng để trông con. Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ, các con vẫn chưa đi học lại và cũng không có người trông coi, chị xin nghỉ tiếp nhưng không được chấp thuận. Thời điểm đó, hợp đồng lao động của chị cũng vừa kết thúc, ngân hàng không ký lại với lý do đóng bớt chi nhánh, tinh giảm nhân sự do khó khăn.
Phải bán tháo nhà vì cạn tiền thanh toán theo tiến độ - Ảnh 1.
Nhiều người mua nhà trả theo tiến độ bị mất khả năng thanh toán vì thu nhập giảm
 
Vì không còn thu nhập ổn định, ngân hàng không tiếp tục giải ngân cho chị Hồng vay để đóng tiền mua nhà khi chỉ còn 2 kỳ nữa là kết thúc. Xoay đủ cách nhưng vẫn không có tiền, chị đành rao bán căn hộ nhưng 3-4 tháng nay vẫn chưa có ai mua dù giá bán ngang bằng khi chị mua từ chủ đầu tư. "Tôi đã trễ hạn thanh toán 1 kỳ, nếu thêm 1 kỳ nữa sẽ bị chủ đầu tư thu hồi nhà, còn phải đóng tiền phạt và các loại phí khác. Tôi thật sự lo lắng, bất an…"- chị Hồng than thở.
 
Tương tự, anh Hoàng Cường, đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở TP HCM, cho hay thời gian trước anh có mua một căn hộ quận 2 của tập đoàn Novaland, thanh toán theo tiến độ. Đến nay công ty khó khăn, đơn hàng ít, thu nhập giảm, anh không kham nỗi tiền nhà nên đành rao bán lại hợp đồng nhưng tới giờ vẫn chưa bán được vì dự án chưa đủ pháp lý. "Liên lạc chủ đầu tư, họ cho biết tôi có thể chuyển sang mua căn hộ của dự án khác có đầy đủ pháp lý, còn nếu lấy lại tiền phải mất 30% tổng số tiền đã thanh toán vì phải bù tiền hoa hồng và các chi phí khác" – anh Cường kể.
 
Một trường hợp khác, chị Phạm Thúy H. (ngụ quận 2), cũng rao bán gấp căn chung cư gần 70m2 mà chị đang ở với giá 2,4 tỉ đồng, giảm 300 triệu đồng so với năm ngoái mà vẫn chưa bán được. Theo lời chị H., khi mua chung cư chị thiếu 500 triệu đồng nhưng không thể thế chấp để vay ngân hàng vì dự án chưa có sổ hồng. Do đó, chị đã nhờ người thân bảo lãnh vay ngân hàng trả góp hằng tháng. Sau đó, chị cho thuê lại một phần căn nhà để bù vào tiền trả nợ mỗi tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm ăn của chị gặp khó khăn, thu nhập giảm, khách thuê thì trả nhà trong khi mỗi tháng vẫn phải trả hàng chục triệu đồng tiền nợ ngân hàng khiến chị vô cùng áp lực. "Giờ tôi chỉ mong sớm bán được nhà để trả nợ chứ không thì mệt lắm"- chị H than thở.
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho hay thời gian qua thị trường bất động sản khá trầm lắng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản bị thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Tỉ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
 
Tổng giám đốc một công ty bất động sản cho biết có dự án đang triển khai nhưng thời gian qua bán khá chậm dù đã khuyến mãi, giảm giá. Trong khi đó, nhiều khách hàng cũ không thể thanh toán tiếp được vì nhiều lý do. Một số người trong đó đã chấp nhận mất một phần tiền đã đóng. Theo vị tổng giám đốc này, tỉ lệ khách trả lại nhà chiếm 4%-5% trong dự án là con số không ít. Điều này khiến chủ đầu tư bị hụt dòng tiền.
 
Trước tình cảnh này, ông Lê Hoàng Châu đã kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.
 
Sơn Nhung - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Địa ốc - Bất động sản