Cải thiện, củng cố niềm tin vào thị trường bất động sản

Thứ hai, 14 Tháng 12 2020 07:18 (GMT+7)
Cần thời gian phục hồi, thích ứng được xem là tâm thế chung của các nhà đầu tư khi nhìn nhận lại gần một năm đầy biến động của thị trường bất động sản (BĐS) cả nước. Thị trường BĐS Cần Thơ có mức giá ổn định, không tăng hay giảm đột biến so với các thành phố lớn khác vào các thời điểm thị trường sôi động hay khi trầm lắng do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tính ổn định của thị trường là cơ hội cho nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế cũng như thị trường BĐS đi vào giai đoạn thích ứng tốt hơn sau đại dịch.
Tìm cơ hội mới
Một dãy nhà phố kinh doanh đang được xây dựng trên tuyến đường Đặng Văn Dầy quận Bình Thủy.
Một dãy nhà phố kinh doanh đang được xây dựng trên tuyến đường Đặng Văn Dầy quận Bình Thủy.
 
BĐS công nghiệp được nhắc nhiều như một điểm sáng khi thị trường trầm lắng trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam nổi lên như một quốc gia kiểm soát tốt về dịch COVID-19 cùng với làn sóng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm một điểm đến đầu tư hợp lý đang tạo ra cơ hội cho BĐS công nghiệp tăng trưởng. BĐS công nghiệp ở đây là đất trong các khu công nghiệp và đối tượng thu hút tham gia vào phân khúc này là các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hoặc nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất khu công nghiệp để đầu tư nhà xưởng sản xuất. Như vậy, BĐS công nghiệp và BĐS ở các khu đô thị nằm gần, liền kề với các khu công nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, tại TP Cần Thơ không có sự tăng trưởng về sản phẩm BĐS công nghiệp khi trong 10 tháng của năm 2020, các khu chế xuất và công nghiệp của thành phố chỉ thu hút mới 2 dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Nếu có giao dịch mua bán BĐS thì chỉ có các giao dịch đất nền ở các khu đô thị gần với các khu công nghiệp.
 
“Đánh bắt tầm xa” được xem là xu hướng của các công ty chuyên về môi giới BĐS ở TP Cần Thơ. Địa bàn môi giới của các đơn vị này tập trung vào sản phẩm ở các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang… Khi thị trường trầm lắng trong năm 2020, nhiều sàn giao dịch BĐS đã chuyển sang làm đơn vị phân phối F2 thay vì F1 để giảm áp lực ký quỹ. Nếu là đơn vị phân phối F1 phải ký quỹ nhận một số lượng nền nhất định để tham gia phân phối với mức lời thu về cao hơn; còn nhà phân phối F2 không phải ký quỹ nên giảm được áp lực trong bối cảnh thị trường chưa thực sự sôi động.
 
Bà Nguyễn Hồng Phương, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực môi giới BĐS tại TP Cần Thơ chia sẻ: Trong khi tại TP Cần Thơ có rất ít dự án mở bán, đưa sản phẩm ra thị trường thì ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL, các dự án khu đô thị có chiều hướng tăng lên. Các dự án này có giá bán từ 9-13 triệu đồng, là phân khúc giá “khá mềm” trên thị trường hiện nay. Trong đó, đất nền ở các khu đô thị nằm gần các khu công nghiệp được nhà đầu tư tìm mua nhằm đón đầu làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp và thu hút lượng lớn lao động. Từ đó tạo ra “cầu” nhà ở tại các khu vực này trong tương lai.
 
Thực tế, mức giá giao dịch BĐS tại Cần Thơ có xu hướng không tăng cũng không giảm giá trong cả năm 2020 trước biến động của các đợt dịch COVID-19. Bước sang quý cuối năm, thị trường dần sôi động trở lại sau thời gian các nhà đầu tư có sự quan sát, đánh giá thị trường. Các dự án đã và đang triển khai có sự kết nối tốt về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội, mức giá dao động từ 20 triệu đồng/m2 trở lên mang đến cho khách hàng nhiều chọn lựa.
 
Giao dịch thành công tăng
 
Nếu tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội có tình trạng tồn kho BĐS ở phân khúc căn hộ cấp trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư… được đầu tư ở khu vực xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì tại TP Cần Thơ lại chưa xảy ra tình trạng tồn kho bất động sản trong cả năm 2020. Theo ông Hồ Quang Tây, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Văn phòng đại diện khu vực ĐBSCL, trong năm 2019, thị trường sôi động ở phân khúc nhà phố, nhà mặt tiền, đất nền với sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với nhiều giao dịch thành công. Sang năm 2020, sản phẩm nhà phố, nhà mặt tiền phục vụ kinh doanh một thời gian dài trầm lắng rõ rệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì bước sang quý cuối năm đã có phát sinh giao dịch trở lại. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh mặt bằng ở các tuyến đường chính của thành phố sau thời gian hoạt động khó khăn có xu hướng trả lại mặt bằng sau khi kết thúc hợp đồng để tìm mặt bằng nhỏ hơn với chi phí phù hợp hơn.
 
Theo bà Trần Thúy Hài, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển SC Holding, mặt bằng giá BĐS ở TP Cần Thơ nhìn chung không cao so với các đô thị lớn, nhưng sản phẩm chưa có sự đa dạng. Do đó, công ty đang có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh lân cận TP Cần Thơ như Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh có tiềm năng như Bạc Liêu, Kiên Giang. Nhờ sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông giữa TP Cần Thơ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL nên khách hàng có sự chuyển hướng đầu tư BĐS đến các địa phương này. Về lâu dài, nếu TP Cần Thơ tập trung đa dạng hóa sản phẩm BĐS ở nhiều phân khúc khác nhau sẽ phát huy hơn nữa sức hút của một thị trường BĐS sôi động, đầy tiềm năng, trung tâm của vùng ĐBSCL.
 
Thực tế cho thấy, qua gần một năm chống chọi với đại dịch, thu nhập của người dân, doanh nghiệp giảm mạnh nên nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS giảm so với năm 2019. Thị trường BĐS quý IV-2020 có xu hướng sôi động trở lại nhưng chưa thể đạt tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, nhiều đơn vị nhận định thị trường sẽ tăng lượng giao dịch thành công trong tháng cuối năm. Yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng nhờ vào những khách hàng đã có sẵn nguồn tiền chuẩn bị tham gia đầu tư vào BĐS tại thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra (trước Tết Nguyên đán 2020). Sau thời gian quan sát thị trường, các nhà đầu tư này đang có xu hướng “bung tiền” để mua các sản phẩm đã “nhắm sẵn” từ trước với mức giá hợp lý, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ.
 
Bài ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Địa ốc - Bất động sản