Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Tháng 5/1979, bố mẹ của ông Hồ Trung Duẩn (Nghệ An) khai hoang đất để làm nhà ở. Năm 1986, đất của bố mẹ ông được đo đạc theo Chỉ thị số 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã có tên trên sổ đăng ký. Năm 1995, bố mẹ ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo số liệu đo đạc bản đồ 299.
Năm 2020, bố ông Duẩn xin xác nhận lại diện tích đất ở, tuy nhiên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện trả lời không đủ điều kiện do sổ đăng ký đất được lập năm 1986 và bản đồ đo đạc năm 1986 không có dấu, không có chữ ký của cơ quan Nhà nước (bản đồ và sổ đăng ký đất này được lưu tại UBND xã và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện).
Ông Duẩn hỏi, trường hợp của gia đình ông được giải thích như vậy có đúng không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 24, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định:
“b) Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây mà người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này nhưng diện tích đất ở chưa được xác định theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai, Khoản 3 Điều này và chưa được xác định lại theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1, Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003, nay người sử dụng đất có đơn đề nghị xác định lại diện tích đất ở hoặc khi Nhà nước thu hồi đất thì diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều này; hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với diện tích đã được xác định lại là đất ở”.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính được lập trước ngày 15/10/1993 là trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Do nội dung ông Duẩn hỏi thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền địa phương nơi có đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có đủ hồ sơ, tài liệu cụ thể liên quan đến thửa đất nên không có cơ sở để trả lời việc giải quyết của địa phương là đúng hay sai.
Để có cơ sở khẳng định việc giải quyết của địa phương là đúng hay sai thì phải tiến thành thanh tra, kiểm tra theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Do đó, trường hợp ông nhận thấy việc giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai chưa thỏa đáng, đề nghị ông có đơn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An để được xem xét chỉ đạo kiểm tra cụ thể, hướng dẫn giải quyết vụ việc theo đúng quy định và hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại địa phương.
Tuệ Minh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)