Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Có được kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, cùng với sự chỉ đạo, điều hành và thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.
Trong năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, như: Luật Xây dựng 2020 và Luật Đầu tư 2020 cùng với nhiều văn bản pháp luật khác.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”. Đề án Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025;
Bộ Xây dựng và các Bộ ngành có liên quan đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do tác động của dịch bệnh. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Bên cạnh công tác quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội như: Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2021-2025 lần lượt tại các Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 và số 319/QĐ-TTg ngày 01/3/2020.
Năm 2020, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành… trong đó có Bộ Xây dựng, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, có thể kể đến như: Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14). Bộ Xây dựng đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự thảo Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành trong quý IV/2020 như sau:
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại: Trên cả nước có 67 dự án với 16.257 căn hộ được cấp phép; 1.182 dự án với 197.934 căn hộ đang triển khai xây dựng; 44 dự án với 4.273 căn hộ hoàn thành.
Đối với dự án nhà ở xã hội: Trong quý IV/2020, có 01 dự án được cấp phép mới, 63 dự án với 102.157 căn đang triển khai, 8 dự án với 1.677 căn hoàn thành.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng: Trên cả nước có 01 dự án mới với 3.300 căn hộ du lịch được cấp phép; 93 dự án với 19.128 căn hộ du lịch và 6.759 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 18 dự án với 62 căn hộ du lịch, 370 biệt thự du lịch hoàn thành.
Theo số liệu tổng hợp của các địa phương cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý IV/2020 giảm, tổng số nhà ở đủ điều kiện được bán chỉ bằng khoảng 76% so với quý trước, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.
Số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong quý IV/2020 có 80 dự án với 29.290 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cả năm 2020, trên cả nước, có 322 dự án với 110.181 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nguồn cung nhà ở năm 2020 vẫn tương đối ổn định so với năm 2019. Số lượng dự án mở bán mới và số lượng căn hộ được mở bán trong năm không tăng so với năm trước. Số lượng nhà ở được chứng nhận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh đặc biệt là ở giai đoạn quý I và quý II tương đối thấp. Trong quý III và quý IV, số lượng nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại các địa phương có tăng hơn so với các tháng đầu năm.
Tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản theo thống kê vẫn tăng trưởng trong quý IV/2020 cho thấy thị trường vẫn tăng trưởng, và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Theo đó, từ đầu 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Thực tế, quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm do dịch Covid-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự tăng trưởng.
Số liệu thống kê về dư nợ tín dụng bất động sản thời gian gần đây (ĐVT: 1.000 tỷ đồng).
Về tồn kho bất động sản, qua tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản theo các báo cáo công bố thông tin thị trường bất động sản của 56/63 địa phương từ quý I/2020 đến quý IV/2020, cho thấy tổng quan số lượng bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh chưa được hấp thụ trong năm 2020, tính đến hết quý I/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn. Tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. Trong đó, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Qua một năm 2020 với nhiều thách thức, nhưng với những tín hiệu, xu hướng tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế trong Quý IV, có thể nói thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam… Với những dấu hiệu, kết quả tích cực nêu trên sẽ là cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định.
Khánh Diệp - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)