Lối thoát cho hàng ngàn dự án có đất công xen kẹt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai. Nghị định cho phép được giao, cho thuê những thửa đất xen kẽ trong các dự án thay vì phải đấu giá như trước.
Nghị định số 148/2020/NÐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 08/02/2021. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ cho hàng trăm dự án BĐS đang phải "trùm mền" vì vướng đất xen kẹt. Việc dự án có quỹ đất công xen cài rải rác đang là nỗi trăn trở của nhiều DN đặc biệt là các DN BĐS ở TP.HCM.
Theo các chuyên gia, Nghị định số 148/2020/NÐ-CP sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc về pháp lý bấy lâu nay. Đặc biệt là có cơ chế hợp lý để giải quyết các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án BĐS, giúp khai thông bế tắc cho các dự án nhà ở trong cả nước.
Tại TP.HCM, quy định mới của Chính phủ sẽ giúp giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong 126 dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Các dự án này hầu hết đang bị ngừng triển khai, có thể tái khởi động, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Giá BĐS sẽ tăng, người đầu tư nên tiếp tục mua vào
Phân tích tình hình thị trường thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group đánh giá, năm 2020 giá BĐS tại Hà Nội, TP.HCM đã quá cao, nhà đầu tư không còn cơ hội để đầu tư. Bên cạnh đó, hành vi của người đi đầu tư và người sử dụng có phần khác nhau. Nhà đầu tư đang nghiên cứu các loại hình BĐS nghỉ dưỡng khác, người tiêu dùng họ ngại bay trong thời điểm Covid-19, nhu cầu về staycation - kỳ nghỉ ngắn hạn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó hạ tầng phát triển vượt bậc cùng số lượng người sở hữu ôtô cá nhân tăng đột biến đã là những yếu tố khiến BĐS ven đô phát triển mạnh trong thời gian vừa qua.
Nói về giá BĐS năm 2021, tôi cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng. Nhà đầu tư nên đổ tiền mua vào. Giá BĐS là cuộc "kết hôn" giữa cung và cầu. Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố.
Đặc biệt, hiện nay, những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi những thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ đang rất nhiều và chờ chực đầu tư tiếp.
BĐS sẽ vượt qua chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn bậc nhất
TS Nguyễn Đức Hưởng - Cựu Chủ tịch LienVietPostBank chia sẻ quan điểm, chứng khoán sẽ giảm trong năm 2021. Nguyên nhân là do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu ảnh hưởng sau một năm.Trong cuộc đua BĐS và chứng khoán, chứng khoán đang thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 01/2021, chứng khoán sẽ giảm và BĐS sẽ tăng nhanh.
“Các phân khúc như BĐS vùng ven Hà Nội, TP.HCM sẽ bật dậy mạnh mẽ sau một thời gian dài trầm lắng. Cùng với đó phân khúc nhà vừa túi tiền, nhà trung bình sẽ tăng giá nhanh. Đặc biệt, BĐS du lịch sẽ bật lên mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi Covid-19 được kiểm soát. Cùng với đó BĐS công nghiệp vẫn là một mảng sáng của thị trường. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn tốt nhất cho vay mua nhà mua đất, giá cho vay mua nhà đất đang thấp chưa từng có. Thiên thời địa lợi sẽ sinh ra hào kiệt BĐS” - TS Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh.
Bám sát chính sách của Nhà nước
Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, năm 2021, có 3 câu chuyện đặc biệt cần lưu ý là: Con người, chiến lược - kế hoạch và đặc biệt quan trọng là tính quyết liệt trong thực thi. Việt Nam còn sinh địa, kinh tế tương đối dương, thu ngân sách không hụt nhiều. Bộ KH&ĐT đang triển khai chiều chính sách hỗ trợ trong năm 2021, chính vì vậy tiềm năng phát triển sẽ mạnh mẽ với quy mô lớn hơn, ưu tiên mạnh mẽ hơn. Các nhà đầu tư, nên bám sát các chính sách vĩ mô của Nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi một tổng thống mới đắc cử.
Giải quyết điểm nghẽn về thể chế chính sách, thị trường phục hồi mạnh mẽ
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nêu quan điểm: Năm 2021 là một năm có điểm hội tụ đặc biệt khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... cùng có hiệu lực từ tháng 01/2021. Bên cạnh Nghị định 167, chúng tôi nỗ lực đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật về BT, chúng tôi cho rằng việc dừng BT là chưa thỏa đáng, chỉ nên tạm dừng đến năm 2022.
“Tôi cho rằng 2021 thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển bởi việc kiểm soát Covid-19 của Việt Nam rất tốt, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng. Năm tới, Bộ Xây dựng tập trung sửa Luật Nhà ở và một số nghị định ban hành chung cư cũ, cơ chế khả thi để tạo điều kiện cho DN tham gia phát triển loại hình nhà ở này” - ông Châu nói.
“Với rất nhiều lực đẩy, vị Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ. BĐS du lịch sẽ rất phát triển. Việc thành lập Thành phố biển đảo Phú Quốc đầu tiên của Việt Nam là cú hích cho BĐS du lịch phía Nam. Tôi kỳ vọng, du lịch phía Đông Bắc tại Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ có thành phố biển đảo tương lai” ông Châu nhấn mạnh.
M&A BĐS tăng vọt trong năm 2021
Báo cáo nghiên cứu của VNDirect cho thấy, một số dự án từ các công ty lớn hiện đang trong quá trình đàm phán, một số đã hoàn tất đàm phán các điều khoản tài chính quan trọng trong quý IV/2020. "Chúng tôi kỳ vọng các thương vụ này sẽ được hoàn tất trong năm 2021, nhờ các cải tiến trong khuôn khổ pháp lý từ Luật Đầu tư mới năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Một trong những thương vụ M&A đáng chú ý gần đây phải kể đến việc Novaland (NVL) hoàn tất thương vụ mua lại 286 ha tại Đồng Nai, cùng một số thương vụ nhỏ lẻ với các địa phương, với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD" - báo cáo nêu.
Cũng tại báo cáo này, các chuyên gia của VNDirect đã nâng khuyến nghị ngành BĐS từ trung tính lên tích cực. Theo VNDirect, điều này là nhằm phản ánh đà phục hồi vững chắc của thị trường trong năm 2021. Cụ thể, các chuyên gia của VNDirect cho rằng, năm 2021, thị trường BĐS phục hồi dựa trên ba yếu tố sau: Thứ nhất, kinh tế vĩ mô sẽ phục hồi trên diện rộng, dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 7,1% trong năm 2021. Thứ hai, nhu cầu nhà ở được thúc đẩy bởi lãi suất vay mua thế chấp ở thấp chưa từng có. Thứ ba, nguồn cung mới tăng lên nhờ tháo gỡ các nút thắt pháp lý.
Còn ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam đánh giá, năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương nhận nhiệm vụ mới sẽ là lực đẩy thúc đẩy thị trường, nguồn cung sẽ được bơm vào thị trường BĐS. 2021 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng ảo hay bong bóng mà sẽ phát triển bền vững. Những dự án đồng bộ về hạ tầng, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt sẽ trở thành lực hút, đầu tư BĐS sẽ lan rộng ra những khu vực vùng núi, giá BĐS năm 2021 dự báo tăng 10% năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ mức 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn. Cuối cùng, động thái từ Chính phủ 2021 sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, vốn FDI đổ vào Việt Nam mạnh hơn sẽ là những xung lực trên thị trường BĐS 2021.
Ninh Toàn - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)