Con đường tiếp cận với nhà ở TNT tại các đô thị vẫn còn rất khó khăn.
Hoàn thành 249 dự án NƠXH
Thời gian qua, các chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà thương mại giá rẻ đã mang lại nhiều lợi ích cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp (TNT) có chỗ ở ổn định.
Là khu NƠXH tiên phong của Hà Nội, đến nay, KĐT Đặng Xá (huyện Gia Lâm) sau nhiều năm vẫn được coi là mô hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị dành cho người TNT của Thủ đô. Năm 2015, các dự án nhà ở cho TNT và NƠXH với 23 tòa chung cư, gồm hơn 3 nghìn căn hộ tại khu đô thị được đưa vào hoạt động, với hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, từ nhà trẻ, trường mầm non, khu thể thao, dịch vụ, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng nghìn gia đình TNT.
Theo chia sẻ của chị Hoàng Anh, cư dân KĐT Đặng Xá, Chương trình phát triển NƠXH là chính sách nhân văn, phù hợp với những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ công nhân viên, người lao động làm việc ở Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở thương mại. Nhờ chính sách NƠXH mà người dân được vay với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm nên tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình TNT có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống.
Còn với mức thu nhập ở mức trung bình, gia đình chị Dương Thị Liên cũng vừa mua được căn NƠXH tại Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm. Đây là niềm mong ước bao năm của gia đình chị cũng như nhiều hộ có mức TNT trong cả nước. Nhưng, không phải gia đình nào cũng may mắn như các gia đình tại KĐT Đặng Xá và chị Liên, bởi hiện nay để sở hữu một căn nhà với họ vẫn còn là giấc mơ xa vời.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Chương trình phát triển NƠXH cho người có TNT tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp trên cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5.210.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 10.950.000 m2 sàn.
Còn nhiều khó khăn
Từ năm 2015 đến nay, thị trường BĐS nhà ở Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, nhất là tại các đô thị. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nguồn cung nhà ở giá rẻ (NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ) ngày càng sụt giảm.
Nhìn vào các số liệu thống kê trên, nhiều người hẳn đã nghĩ đến việc được sở hữu dễ dàng 1 căn hộ cho riêng mình. Song, theo đánh giá của các chuyên gia thì cho dù số dự án trên có hoàn thành vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu cho người TNT đô thị bởi với tổng diện tích hơn 5,21 triệu m2 NƠXH đã xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
Chưa kể còn nhiều lý do khách quan khác như hạ tầng, vị trí, giá cả, nguồn vốn, thủ tục… khiến cho NƠXH và nhà ở giá thấp khó đến tay người có nhu cầu.
Bộ Xây dựng thời gian qua cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về việc đẩy mạnh phát triển NƠXH, giải pháp về vốn cho các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở, một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh; phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về các chính sách cho vay NƠXH; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về NƠXH… Tuy nhiên, con đường tiếp cận với nhà ở TNT tại các đô thị vẫn còn rất khó khăn.
Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, việc phát triển NƠXH thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân bởi có nhiều hạn chế, bất cập của một số quy định pháp luật nên đã bó hẹp phân khúc NƠXH và nhà ở giá rẻ, mặc dù nhu cầu là rất lớn.
Trong đó, điểm tắc nghẽn lớn nhất là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách phát triển NƠXH. Tiếp đó là bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê. Hơn nữa, Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã quy định cơ chế tạo lập quỹ đất phát triển NƠXH, nhưng cơ chế này chưa được thực thi hiệu quả…
Tìm giải pháp khơi thông phát triển nhà giá rẻ
Theo các chuyên gia, mục tiêu năm 2020 trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành nếu không có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và khuyến khích phát triển NƠXH, nhà giá rẻ, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu một số nhóm giải pháp đó là: Về quy hoạch, bố trí quỹ đất, các địa phương khi rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại giá rẻ cũng như xác định cụ thể danh mục các dự án; giá bán cần được xem xét, điều chỉnh trong từng thời kỳ phụ thuộc theo sự biến động của thị trường; có cơ chế ưu đãi về đất đai, trong đó DN tham gia đầu tư xây dựng được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định.
Về thủ tục đầu tư xây dựng, DN đầu tư xây dựng được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; trường hợp dự án đã thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Về cơ chế huy động vốn, chủ đầu tư dự án được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định của Luật Nhà ở; được phát hành trái phiếu DN để huy động vốn triển khai dự án; được vay vốn ưu đãi.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện Bộ đang khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (ngày 20/10/2015) của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH. Đồng thời, Bộ đang phối hợp, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung chính sách phát triển NƠXH.
Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để cho DN và người dân vay xây dựng, mua NƠXH.
Được biết, hiện các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở giá rẻ, NƠXH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm tháo gỡ những bất cập trong quy định về phát triển nhà ở, thị trường BĐS, đầu tư, nguồn vốn, cần thiết xác định cụ thể danh mục dự án, bố trí quỹ đất sạch hoặc áp dụng cơ chế các chủ đầu tư dự án khu đô thị dành một tỷ lệ diện tích đất nhất định giao cho địa phương phát triển nhà ở giá rẻ… Khi đã có được sự đồng bộ từ chính sách đến cơ chế thực hiện, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, thì chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề mất cân đối của nhà ở giá rẻ (cung ít - cầu nhiều). Từ đó, người dân TNT sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận nhà ở, ổn định cuộc sống.
Linh Anh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)