Lĩnh vực bất động sản tại Thanh Hóa ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản Thanh Hóa, mặc dù dịch Covid-19 đang tác động lên hầu hết các lĩnh vực, song với lĩnh vực bất động sản thời điểm hiện tại đang cho thấy những lợi thế nhất định, thậm chí một số thị trường còn trở nên sôi động do nhiều siêu dự án lớn đổ bộ.
Ghi nhận tại các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, dòng vốn đầu tư vào thị trường này không những giảm mà thậm chí còn gia tăng. Ông Nguyễn Hữu Huy - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phục Hưng cho rằng: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc người dân tìm kênh đầu tư an toàn lại đang hướng đến bất động sản.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được cho là xuất phát từ sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính… hạn chế giải ngân vào đầu tư sản xuất mà chuyển dịch sang cho vay đầu tư bất động sản.
Ông Nguyễn Chung (phường Quảng Hưng) - một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Thanh Hóa lý giải: “Người dân vẫn tin tưởng ở thị trường bất động sản bởi, đơn cử nếu đầu tư vào thị trường vàng thì bấp bênh, giá vàng năm qua liên tục “nhảy múa”. Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm từ các ngân hàng thấp, không đáng kể. Việc bỏ tiền đầu tư bất động sản cho thấy sự an toàn và lời lãi hơn khi mà quỹ đất đầu tư ngày càng giảm. Nói vui nhưng sự thực là người đẻ chứ đất không đẻ”.
Khảo sát thị trường tại một số địa phương trong tỉnh thấy rằng, thị trường bất động sản không những bị chững lại do dịch mà có chiều hướng “nóng” lên, sôi động hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như: Thị trường bất động sản thành phố Thanh Hóa; thành phố Sầm Sơn; huyện hoằng Hoằng Hóa, huyện Đông Sơn… do các địa phương này có hàng loạt siêu dự án đổ bộ. Đơn cử, thành phố Sầm Sơn với các dự án lớn đổ bộ như: Sun Group, FLC, Đông Á… đang khiến cho giá trị đất nền, căn hộ, nhà ở thuộc thành phố du lịch này không ngừng gia tăng.
Trong khi đó, thị trường bất động sản thành phố Thanh Hóa đang được ghi nhận mức giá tăng cao hơn so với thời điểm cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Lý do được cho là vì đây đang là thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới hạn chế về dự án đầu tư mới. Hiện, một số mặt bằng, nhà ở đang thực hiện giao dịch, dẫn tới thị trường cung - cầu đang có sự chênh lệch.
Dự án khu dân cư tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Với các địa phương phương khác, ảnh hưởng của dịch khiến cho thị trường bất động sản mang tính chất cầm chừng. Tuy nhiên, giá đất lại không hề giảm bởi phong trào xây dựng nông thôn mới, tiềm năng, lợi nhuận từ đầu tư bất động sản dự đoán sẽ lên cao sau đợt dịch thứ 3 kết thúc.
Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản mà hiện tại bất động sản công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng… đang chịu sự hậu quả nặng nề.
Một chuyên gia bất động sản lĩnh vực này khẳng định: Thời gian qua, bất động sản công nghiệp gần như “đóng băng”. Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới đóng cửa biên giới, dừng bay quốc tế… gần như tác động trực tiếp, vắng bóng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Trong khi, đối với các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho đầu tư sản xuất mới dè chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có trao đổi, hợp đồng đặt cọc cũng từ bỏ, hủy hẹn. Tình trạng “đóng băng” trên có thể kể tới như: Bất động sản Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc….
Lấy ví dụ, Cụm công nghiệp Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), mặc dù hạ tầng Cụm công nghiệp này đã được nhà đầu tư chi ra hơn 100 tỷ đồng, tuy nhiên tình trạng thu hút doanh nghiệp vào đây chỉ duy nhất có 1 doanh nghiệp Đài Loan. Ông chủ đầu tư Cụm công nghiệp này cho hay: Trước khi triển khai đầu tư hạ tầng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến làm việc, hẹn ước, thậm chí là đặt cọc, xí chỗ… Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho mọi giao dịch “đóng băng”. Không thu hút được doanh nghiệp đang dẫn tới nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thu hồi vốn, tái đầu tư.
Đồng cảnh ngộ với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho thị trường này rơi vào trạng thái gần như “ngủ đông”. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, hoạt động của ngành hàng quốc tế liên tục rơi vào tình trạng ngừng bay, trong khi lượng khách nội địa thấp, dẫn tới lưu lượng khách du lịch sụt giảm đáng kể. Từ đó kéo theo nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại.
Dự đoán tình hình bất động sản thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường sẽ sôi động trở lại từ quý II/2021, khi chính phủ vừa ban hành tiêm vắc xin, dịch bệnh được kiểm soát.
Tiến Anh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)