Bất động sản du lịch: Mạo hiểm đầu tư đón đầu

Thứ sáu, 19 Tháng 3 2021 06:59 (GMT+7)
Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản trong hơn một năm qua. Trong đó, có thể nói phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, hiện một số chủ đầu tư vẫn mạnh dạn triển khai dự án mới nhằm đón đầu thị trường khi dịch qua đi.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng nằm im
 
Những năm trước đây, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế đã tạo sức bật nhanh, mạnh cho thị trường bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng. Hàng loạt dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng đã ra đời như căn hộ du lịch (condotel), khách sạn, resort, đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như đầu tư thứ cấp đa dạng của khách hàng, nhà đầu tư.
 
Từ khi dịch xảy ra, không những chủ đầu tư dự án xây dựng BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng, mà còn kéo theo hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp bị ảnh hưởng theo. Thu không đủ chi, chủ đầu tư hàng loạt dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Nha Trang đã “bẻ kèo” hợp đồng cam kết lợi nhuận với khách hàng, dù những hợp đồng này rõ ràng “giấy trắng mực đen”, như Cocobay, FLC…
Bất động sản du lịch: Mạo hiểm đầu tư đón đầu ảnh 1
Dự án bất động sản du lịch ở An Thới, TP Phú Quốc, Kiên Giang sôi động. Ảnh: HUỲNH LỢI
 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, hầu hết các khu du lịch hiện nay phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Đại diện một tập đoàn lớn về khu du lịch - nghỉ dưỡng có nhiều dự án tại Phú Quốc, Đà Nẵng cho biết, công suất hoạt động chỉ đạt 20%, thu không đủ chi.
 
Còn theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội BĐS TPHCM, cả nước hiện có khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án condotel tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tổng nguồn vốn đầu tư vào các dự án này ước khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chúng hầu như rơi vào tình trạng “bất động”.
 
Chưa hết, đánh giá thêm về thị trường này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập. Đã có tình trạng phát triển nóng các dự án căn hộ du lịch trong thời gian qua, nhưng chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch, ổn định và bền vững.
 
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện dấu hiệu cung vượt cầu. Ngoài ra, phân khúc này còn chưa được pháp luật quy định cụ thể về điều kiện huy động vốn, bán căn hộ du lịch hình thành trong tương lai và cũng chưa có hợp đồng mẫu mua bán condotel. Hậu quả, nhiều chủ đầu tư đã tùy tiện huy động vốn ngay từ thời điểm triển khai dự án, đẩy khách hàng vào tình thế rất rủi ro. 
 
Chủ đầu tư vẫn bung tiền
 
Bất chấp những khó khăn hiện tại, ngay sau tết, nhiều dự án BĐS ven biển Phan Thiết đã nhanh chóng được tái khởi động. Tại dự án NovaWorld Phan Thiet (xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), các nhà thầu đang tập trung nguồn lực để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đã triển khai trước đó. Lực lượng kỹ sư cùng hàng ngàn công nhân đồng loạt thi công các sản phẩm nhà phố, biệt thự, các căn shophouse mặt biển và tiện ích xung quanh như quảng trường biển, cụm nhà hàng, hệ thống đường nội khu...
 
Đại diện đơn vị thi công cho biết, đã thực hiện xong 95% khối lượng công trình. Trong tháng 3, các căn biệt thự trong khu này sẽ hoàn tất để kịp bàn giao đợt đầu tiên cho khách hàng. Chủ đầu tư dự án này còn đưa hơn 300 kỹ sư và trên 3.000 công nhân của 4 nhà thầu làm việc liên tục 3 ca/ngày để đảm bảo kế hoạch như cam kết với khách hàng. 
Bất động sản du lịch: Mạo hiểm đầu tư đón đầu ảnh 2
Khách tham quan sa bàn dự án Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City
 
Cùng với NovaWorld Phan Thiết, hàng loạt dự án quy mô khác ven biển Bình Thuận cũng được đẩy nhanh tiến độ, cho thấy sự quyết tâm của các nhà đầu tư vào phân khúc BĐS.
 
Chia sẻ về quyết định này, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết, dù nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh; triển khai nhanh chóng, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh thủ tục, giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư... nên các khó khăn dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước phục hồi. Riêng đối với ngành BĐS, các doanh nghiệp nói chung và Novaland nói riêng cũng dần thích ứng với những thử thách và đang nắm lấy cơ hội để mang đến những sản phẩm, dịch vụ có sức hấp dẫn đối với khách hàng. Năm 2021, Novaland tiếp tục tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực là BĐS đô thị, BĐS du lịch. 
 
Còn ông Dương Minh Tiến, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Asean Newtime, cho rằng, hiện nay không chỉ BĐS có lại niềm tin mà nhiều ngành kinh tế khác cũng kỳ vọng phục hồi rất lớn. Theo ông Tiến, năm 2020 là năm mà doanh nghiệp của ông nhận thức rõ nhất phải tái cấu trúc và đầu tư BĐS du lịch phải gắn liền với đầu tư tiện ích. 
 
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, có việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có sức hấp dẫn trong tương lai. 
 
ĐỖ TRÀ GIANG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Địa ốc - Bất động sản