Kế hoạch tăng vọt
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra cuối tuần qua, Công ty CP Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) đã thông qua kế hoạch năm 2021 đầy tham vọng với doanh thu dự kiến đạt 4.700 tỉ đồng, tăng 20% so năm 2020; lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 2.335 tỉ đồng, tăng 52% và lợi nhuận sau thuế 1.868 tỉ đồng, tăng hơn 53%. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát Đạt, giải thích cơ sở để đưa ra kế hoạch đầy tham vọng này: Ngoài lĩnh vực cốt lõi là BĐS dân dụng, công ty đã mở rộng sang lĩnh vực BĐS công nghiệp và triển khai dự án đầu tiên có quy mô 24 ha tại khu vực cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từ quý IV/2020.
Lĩnh vực BĐS công nghiệp của PDR sẽ hướng tới phát triển các đô thị công nghiệp quy mô lớn, đón đầu làn sóng chuyển dịch dòng vốn trong thời gian tới. Hiện công ty đang chuẩn bị các điều kiện về quỹ đất, tài chính, công nghệ... để có phương án phát triển lĩnh vực BĐS công nghiệp hiệu quả. Ngoài ra, PDR cũng thông qua quyết định mở thêm ngành kinh doanh mới là năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp bất động sản sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án để tăng cung cho thị trường năm 2021 Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng 29-3, Công ty CP Địa ốc First Real (mã chứng khoán FIR) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu 350 tỉ đồng doanh thu thuần và 70 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 98,6% và 45,4% so với thực hiện trong năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, Công ty CP Địa ốc First Real sẽ tập trung tìm kiếm, phát triển quỹ đất và tiếp tục triển khai các dự án trên những quỹ đất mà công ty đang sở hữu, củng cố, mở rộng mạng lưới phân phối, môi giới các sản phẩm BĐS. Cụ thể, công ty sẽ đẩy mạnh thị phần môi giới, mở rộng triển khai các dự án BĐS tại nhiều tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Bình…
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland) dù chưa công bố kế hoạch cụ thể cho năm 2021 nhưng cũng hé lộ sẽ tăng trưởng 2 con số trong năm 2021, với việc bàn giao sản phẩm tại các siêu dự án Aqua City (Đồng Nai), Novaworld Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) và các dự án căn hộ khác tại TP HCM.
Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG) cũng ước tính sẽ thu được lãi lớn khi mở bán các dự án khu đô thị Waterpoint (Long An), Nam Long Hải Phòng và Mizuki Park (TP HCM).
Gỡ nút thắt pháp lý
Các chuyên gia nhận định năm 2020 dù thị trường BĐS gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn cung khan hiếm nhưng sản phẩm tung ra vẫn được hấp thu tốt, giá nhà đất khắp nơi đều tăng vọt… nhờ đó nhiều DN BĐS vẫn có doanh thu và lợi nhuận tăng vọt. Với những triển vọng của nền kinh tế sau dịch, nhiều DN địa ốc vẫn tự tin đặt kế hoạch khả quan cho năm 2021.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, cho rằng DN BĐS năm nay kỳ vọng hoạt động kinh doanh khởi sắc, thậm chí bứt phá là có lý do. Lý do quan trọng nhất là những vướng mắc về pháp lý liên quan tới BĐS sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện để DN triển khai tiếp những dự án đã bị ách tắc. Đặc biệt, trong một số luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, triển khai dự án BĐS có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của DN. Quan trọng hơn là nhu cầu mua nhà đất để ở, đầu tư của người dân đang cao nên chắc chắn thị trường sẽ hấp thu tốt.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng có cùng nhận định, cho rằng xu hướng nhà ở năm 2021 sẽ cải thiện dần với việc các quy định pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung đến ngành BĐS và đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tích cực hơn. Đặc biệt, ý chí chính trị của lãnh đạo Chính phủ mới sẽ sớm giải quyết những điểm nghẽn cho thị trường. Quan trọng hơn là lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng thanh toán của người mua nhà với tỉ lệ sử dụng thế chấp tăng. "Chủ đầu tư có uy tín, đi đúng xu hướng và đúng thời điểm với quỹ đất sẵn sàng phát triển quy mô lớn, tọa lạc ở các địa điểm tiềm năng sẽ có thể là bên giành chiến thắng trong điều kiện hiện tại. Ngoài ra, các chủ đầu tư có thể thâu tóm quỹ đất mới, tái cơ cấu quản trị sau các sự kiện M&A (mua bán sáp nhập) có thể sẽ ghi nhận mức lợi nhuận phục hồi mạnh" - các chuyên gia của SSI nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực đánh giá có một số điểm cộng thúc đẩy thị trường BĐS phát triển trong năm 2021. Chẳng hạn, các DN trên thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh, áp dụng công nghệ vào bán hàng. Những luật sửa đổi, bổ sung như Luật DN với nhiều điểm tinh giảm đáng kể, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 với quy định về huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho DN.
Đồng thời, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất nước ngoài trong bối cảnh DN quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo cơ hội cho BĐS công nghiệp Việt Nam. Tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước cũng thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi. Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong khoảng 15 năm qua, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư…
Một yếu tố tích cực nữa với các DN BĐS, theo các chuyên gia, là Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải ngân 46.000 tỉ đồng cho hoạt động cơ sở hạ tầng, tăng 28% so năm 2020. Đây là cơ sở để các dự án BĐS sẽ tăng giá từ 2%-5% so năm 2020.
Vẫn khát vốn
Mặc dù lạc quan nhưng thực tế các công ty BĐS vẫn luôn trong tình trạng khát vốn. Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy 2 tháng đầu năm nay, có 22 DN phát hành riêng lẻ 11.428 tỉ đồng trái phiếu. Trong đó, ngành BĐS chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng giá trị phát hành riêng lẻ, đạt 6.387 tỉ đồng, tương đương 55,9%. Một số công ty BĐS huy động trái phiếu với giá trị lớn như Công ty CP Phát triển BĐS Nhật Quang (2.150 tỉ đồng), Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỉ đồng).
Sơn Nhung - Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)