Ảnh minh họa.
Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, tài sản tại các nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận Ba Đình, Đống Đa khẩn trương hoàn thành di dời người dân, tài sản ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (cấp nguy hiểm cao nhất) trên địa bàn.
UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục chung cư cũ; hướng dẫn các chủ sở hữu, chủ sử dụng sửa chữa, bảo trì theo quy định và tổ chức di dời, tạm cư đối với các nhà nguy hiểm trên địa bàn do mình quản lý.
Việc cải tạo, bảo trì, sửa chữa bảo đảm an toàn công trình nhà chung cư theo quy định tại Điều 86, Điều 87 Luật Nhà ở 2014. Việc xử lý các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, công trình hết thời hạn sử dụng, phá dỡ công trình thực hiện theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.579 chung cư cũ, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành kiểm định, phân loại, đánh giá chất lượng chung cư cũ. Đến nay, đã có 401 chung cư cũ được kiểm định; trong đó có 8 chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân). Thành phố Hà Nội đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư cho các hộ dân để thực hiện di dời khẩn cấp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã đặt ra một số nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đó là: Tập trung hoàn thành tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; Lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định.
Ánh Dương - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)