Ngày 5-10, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - cho biết UBND xã Dương Tơ vừa báo cáo đã có 56 trường hợp đem giấy tờ mua bán đất dạng ký tay (không có chứng thực) trình nộp, tự nhận là chủ của các căn biệt thự xây dựng trái phép tại khu đất rộng gần 19 ha do xã quản lý. Một vài trường hợp có kèm theo đơn xin hoãn tháo dỡ công trình.
Khu biệt thự 79 căn xây dựng trái phép ở Phú Quốc
Trước đó, ngày 19-9, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang và chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản ghi nhận, đình chỉ thi công đối với 79 căn biệt thự vắng chủ xây dựng trái phép trên khu đất gần 19 ha do UBND xã Dương Tơ quản lý.
Đồng thời, ra thông báo mời chủ nhân của những căn biệt thự này chậm nhất ngày 30-9 phải liên hệ cơ quan chức năng làm việc để xác minh nguồn gốc đất, quá trình mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng, xây dựng hoặc mua bán tài sản trên đất. Tuy nhiên, đã quá thời hạn nhưng chưa có cá nhân, đơn vị nào liên hệ với cơ quan chức năng làm việc.
Nhiều người đã tự nhận là chủ của các căn biệt thự xây dựng trên đất công, có giấy tay mua bán
Khu đất xây dựng 79 căn biệt thự nói trên rộng gần 19 ha, là đất được UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi của dân lấn chiếm giao cho UBND xã Dương Tơ trực tiếp quản lý. Khoảng năm 2017-2018, thời điểm diễn ra "sốt đất" ở Phú Quốc, người dân địa phương phát hiện có doanh nghiệp tới phân lô, làm đường bê tông nội bộ, đặt đường ống cấp - thoát nước, kéo điện, xây dựng hàng loạt căn nhà dạng biệt thự kiên cố.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện phần lớn 79 căn biệt thự trái phép đã xây dựng hoàn thành, một vài căn đang xây dựng dở dang. Mỗi căn xây dựng trong diện tích thửa đất được phân lô từ 200 đến 350 m2, ước tính giá trị đất và xây dựng từ 8-10 tỉ đồng/căn. Một số căn còn được thiết kế khuôn viên cây cảnh, trồng cỏ xung quanh nhà, có sân trước, sân sau và lối đi bên hông như biệt thự đơn lập đẳng cấp. Hiện lực lượng chức năng đã rào chắn và dùng cơ giới phá hủy một số tuyến đường dẫn vào khu biệt thự trái phép nhằm ngăn chặn tình trạng tiếp tục thi công lén lút.
Mỗi căn biệt thự xây dựng trái phép có giá trị giao dịch từ 8 đến 10 tỉ đồng
Ông Thái Duy Châu, chủ của 1 trong 79 căn biệt thự nói trên, cho biết ông là người ở TP HCM, đã mua thửa đất 1.000m2 tại đây vào năm 2021 với giá 6 tỉ đồng. Sau đó, ông đầu tư thêm 3 tỉ đồng để xây dựng nhà. "Tôi mua của người quen bằng giấy tay, không có công chứng, biết là đất quy hoạch nhưng tôi nghĩ rồi cũng sẽ bỏ quy hoạch thôi. Với lại thấy khu này đường, điện gì cũng có sẵn, xung quanh người ta đã xây dựng đầy ra. Cả Phú Quốc này xây dựng trái phép rất nhiều, suốt mấy tháng xây dựng cũng không thấy ai đến hỏi han gì nên tôi vững tin mà xây"- ông Châu nói.
Một căn nằm ở vị trí mặt tiền đã bị tháo dỡ 1 phần từ hơn năm trước
Một thợ xây đến từ TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho biết ông mang cả gia đình và người thân qua đây nhận xây dựng công trình từ nhiều tháng nay.
"Tôi đã ngưng xây dựng hơn 10 ngày nay vì cơ quan chức năng không cho phép. Chủ nhà giao nhiệm vụ trông coi các căn nhà đang xây dựng dở dang, trả tiền ăn uống hàng ngày. Họ bảo chờ xin giấy phép sẽ xây dựng tiếp. Tôi được người quen giới thiệu vào làm, không biết tên chủ, chỉ biết đó là một doanh nghiệp ở TP HCM. Còn dãy nhà đã hoàn thiện đối diện phía bên kia đường là của một doanh nghiệp địa phương xây dựng, họ đã bán lại cho một số người nhưng rất ít khi thấy chủ nhà xuất hiện, đóng cửa suốt"- người thợ này cho biết.
Ngoài khu đất đang tồn tại 79 căn biệt thự xây dựng trái phép, Tổ công tác đặc biệt tỉnh Kiên Giang cũng đang phối hợp với TP Phú Quốc và xã Dương Tơ tiến hành rà soát việc xây dựng trái phép trên khu đất dự án rộng hơn 17 ha. UBND xã Dương Tơ cũng đã ra thông báo cho những người mua bán đất tại đây đem các giấy tờ có liên quan tới làm việc, hạn chót là vào ngày 23-10.
Nhiều công trình trái phép đang chờ thủ tục cưỡng chế
Tại cuộc hợp báo ngày 18-8, thông tin về vụ việc lấn chiếm rừng, khu bảo tồn biển biển, xử lý rác thải, ô nhiễm sông Dương Đông..., ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên ở Phú Quốc - cam kết trong tháng 9-2022, tỉnh Kiên Giang sẽ xử lý dứt điểm tất cả các công trình xây dựng trái phép tại khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Công trình khách sạn 12 tầng xây dựng trái phép ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc đã có chỉ đạo phải cưỡng chế đầu tháng 9 nhưng đến nay vẫn còn tồn tại
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn chưa tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để cưỡng chế.
Liên quan đến việc xử lý bến xe buýt trái phép và công trình khách sạn 12 tầng xây dựng trái phép tại trung tâm TP Phú Quốc, ngày 5-10, lãnh đạo TP Phú Quốc xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động rằng các cơ quan chức năng đang làm thủ tục cưỡng chế nhưng chưa xác định thời điểm cụ thể. Trước đó, cả 2 công trình vi phạm này lần lược được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc ấn định thời điểm phải tháo dỡ là trong tháng 9.