Tham gia buổi lễ công bố nhãn hiệu tập thể 'Chè Thái Nguyên' được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan có ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan cho lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã và 85 làng nghề sản xuất, chế biến chè. Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70-80%, chỉ có khoảng 20-30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu.Thị trường nhập khẩu chè Thái Nguyên chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước Châu Á, vùng lãnh thổ và Đông Âu, điển hình là Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc...
Những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của cây chè. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất kết hợp với tạo dựng thương hiệu đã giúp cho sản phẩm chè Thái Nguyên ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè Thái Nguyên ra thị trường quốc tế, tháng 7-2014, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan.
Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được các cơ quan sở hữu trí tuệ của ba quốc gia và vùng lãnh thổ trên cấp văn bằng bảo hộ. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên tại các thị trường nước ngoài tiềm năng, hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế, tạo ra những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để nâng tầm thương hiệu “Chè Thái Nguyên” trên thị trường thế giới.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã nghe các ý kiến tham luận: Tổng quan thị trường và ngành chè Thái Nguyên, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chè Thái Nguyên, đăng ký bảo hộ, quảng bá và khai thác giá trị nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên tại các nước/vùng lãnh thổ như Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, hoạt động quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên, hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chè Thái Nguyên tại thị trường trong và ngoài nước, mẫu mã bao bì – phương tiện hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường…
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề sản xuất và chế biến chè tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Để giúp cho ngành chè Thái Nguyên xây dựng được thương hiệu tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho rằng trong thời gian tới, Thái Nguyên cần hoàn thiện hệ thống công cụ pháp lý phục vụ việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên.
Đồng thời, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc, tiếp tục nghiên cứu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại các thị trường nước ngoài tiềm năng khác, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ động tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm gắn với khai thác tối đa giá trị nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”…’
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan là một sự khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện rất thuận lợi để thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường, đưa sản phẩm nổi tiếng này ra thế giới, góp phần nâng cao vị thế “Đệ nhất danh Trà”.
Nguồn: Ngô Huy - Lê Tuấn - (giadinhvaphapluat.vn)