Nhiều tồn tại trong xử lý vi phạm hành chính

Thứ năm, 22 Tháng 8 2019 11:32 (GMT+7)
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc vi phạm hành chính vẫn còn phổ biến, kể cả một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành, do nhiều nguyên nhân. Các chế tài hành chính chưa đủ sức răn đe. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều kẽ hở dẫn đến đối tượng vi phạm tận dụng các kẽ hở này để vi phạm. Một số quy định của pháp luật chưa khả thi... dẫn tới tình trạng chấp hành chưa đúng các quy định của pháp luật, vi phạm, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhiều tồn tại trong xử lý vi phạm hành chính

Kiểm tra thị trường hàng hóa phát hiện nhiều vi phạm.

Vi phạm hành chính xảy ra ở một số lĩnh vực phổ biến như: đất đai, xây dựng, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, buôn lậu (nhất là buôn lậu thuốc lá điếu), môi trường, thuế, phí, hóa đơn, kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hóa kém chất lượng, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhãn sai quy định, nhãn có thông tin không đúng bản chất sự thật, có chất lượng thấp hơn so với công bố; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả về chất lượng; kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Vi phạm sử dụng điện để khai thác thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm (chất tạo màu) không rõ nguồn gốc; bán lẻ dược liệu đã qua sơ chế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng...

Nổi bật là phòng khám không công khai tên người hành nghề, có lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật, không bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng các thiết bị y tế, dụng cụ y tế cấp cứu và quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép. Vi phạm kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và sử dụng nguyên liệu sản xuất thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính do nhận thức pháp luật kém, ý thức tuân thủ pháp luật không cao. Một số tổ chức, cơ sở kinh doanh chạy theo lợi nhuận đã cố ý vi phạm các quy định của pháp luật. Trong khi đó, các chế tài hành chính chưa đủ sức răn đe. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều kẽ hở, dẫn đến đối tượng vi phạm tận dụng các kẽ hở này để vi phạm. Một số quy định của pháp luật chưa khả thi, chưa thật sự phù hợp. Việc cập nhật các văn bản pháp luật mới chưa được kịp thời và đầy đủ dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện. Chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa quan tâm và chấp hành đúng các quy định của pháp luật lao động, chưa cải thiện điều kiện lao động, gây mất an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng người lao động chưa qua đào tạo, chưa được tập huấn chuyên môn...

Do số lượng người nghiện ma túy chủ yếu là những thanh niên không nơi cư trú ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do một số bộ phận thanh niên từ những địa phương khác đến sinh sống không ổn định trên địa bàn hoặc những thanh niên đi làm ăn xa tại nơi khác trở về địa phương có dấu hiệu nghiện ma túy và lôi kéo người khác tham gia hút, chích. Bên cạnh đó, vẫn còn một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có đối tượng bị xử phạt không có địa chỉ cư trú rõ ràng nên các quyết định xử phạt gửi qua đường bưu điện không đến được với người vi phạm. Đối tượng vi phạm không có điều kiện để thi hành như: nghèo, không việc làm, làm thuê... không khả năng nộp phạt, không có tài sản để cưỡng chế.

Một số quy định trong Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất khó áp dụng như: việc xác minh thông tin tài sản và điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt hoặc xác minh thông tin tiền và tài sản do bên thứ ba đang giữ rất khó khăn, phức tạp. Đối tượng trốn tránh không nhận quyết định hoặc nhận quyết định rồi bỏ đi nơi khác, trì hoãn việc nộp phạt. Hoặc một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất- kinh doanh, phá sản, chấm dứt, ngừng hoạt động nên không còn khả năng để chấp hành quyết định xử phạt.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.304 vụ vi phạm, xử phạt 2.349 đối tượng. Có 2.196 quyết định đã thi hành; 5 quyết định bị cưỡng chế thi hành; 2 quyết định bị khiếu nại, khởi kiện. Tổng số tiền phạt hơn 6,3 tỷ đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu hơn 2,7 tỷ đồng. Có 665 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; 647 đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; 3 người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế quản lý tại gia đình. Hiện có hơn 900 đối tượng đang chấp hành quyết định; 307 đối tượng được giảm thời hạn chấp hành quyết định; 2 đối tượng được miễn, hoãn chấp hành quyết định.

 
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật