Tích cực đóng góp Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ hai, 07 Tháng 10 2019 11:02 (GMT+7)
Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong năm, thay đổi khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm là một trong nhiều nội dung được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức.

Người lao động tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nên hay không tăng tuổi nghỉ hưu ?

Xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 và nam từ 60 lên 62, được nhiều đại biểu tham gia thảo luận.

Ông Vũ Anh Quân, đại diện Sở Tư pháp, cho rằng, việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là không có căn cứ, bởi nguồn quỹ này trong tương lai sẽ tiếp tục thay đổi cơ cấu một cách mạnh mẽ. Nếu muốn duy trì hiệu quả nguồn quỹ bảo hiểm xã hội thì phải đổi mới trong xây dựng, tạo nguồn, quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay thì việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Hoàng Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là có cơ sở vì tuổi thọ của người Việt ngày càng cao. Ngoài ra, với một số ngành nghề không làm công việc nặng nhọc, nhiều lao động nữ ở tuổi 55 nhưng trí óc minh mẫn, đủ sức khỏe đảm đương công việc nên về hưu ở tuổi 55 là chưa phù hợp.

Còn bà Trần Thị Hải Yến, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Ánh Dương, thành phố Vị Thanh, cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính đến nhu cầu việc làm ngày càng tăng cao của lực lượng lao động trẻ, có trình độ, được đào tạo bài bản. Trong khi đó, lực lượng lao động lớn tuổi tại một số ngành lao động đặc thù lại khó thích nghi, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Về phía người lao động, chị Nguyễn Thị Út Em, Công ty Lạc Tỷ 2, chia sẻ, thực tế rất ít công nhân lao động chân tay nữ làm việc đến độ tuổi 55 và nam làm đến độ tuổi 60, do đó nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì đề nghị cần xem xét nghiên cứu độ tuổi nghỉ hưu theo đặc thù từng ngành nghề.

Về ngày nghỉ lễ hàng năm, nhiều ý kiến góp ý tăng thêm ngày nghỉ là Ngày Gia đình Việt Nam và Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường…

Theo anh Huỳnh Minh Thiện, Công ty Thức ăn chăn nuôi Rico Hậu Giang, việc tăng ngày nghỉ lễ là cần thiết để tạo điều kiện cho người lao động có thêm thời gian gần gũi, chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động.

“Ngoài ra, tôi được biết, hiện nước ta số ngày nghỉ lễ vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực nên việc thêm ngày nghỉ là phù hợp”, anh Thiện chia sẻ.

Đảm bảo quyền cho lao động nữ

Xung quanh dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến của các đại biểu cũng băn khoăn về chế độ, chính sách với lao động nữ.

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, Công ty Lạc tỷ 2, kiến nghị dự thảo cần bổ sung quy định về bảo vệ thai sản với lao động nữ. Cụ thể, chị Tuyền đề xuất, khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng mà hết hạn hợp đồng lao động thì chủ sử dụng phải gia hạn hợp đồng, ít nhất đến khi con nhỏ đủ 12 tháng trở lên.

Đối với quyền lợi của phụ nữ đang nuôi con nhỏ, nhằm bảo đảm cho nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều đại biểu đề xuất Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên có thêm quy định yêu cầu chủ doanh nghiệp bố trí kinh phí lắp đặt khu vực để người lao động trữ sữa đối với các doanh nghiệp có đông lao động nữ làm việc.

Về nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm việc thêm tối đa, đa số các đại biểu thống nhất với phương án trong dự thảo. Theo đó, một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ nhưng không quá 400 giờ/năm.

Đồng tình cao với quy định này, ông Võ Văn Hiền, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, cho rằng, quy định này sẽ hạn chế được tình trạng các doanh nghiệp gia công, chế biến hàng xuất khẩu vi phạm pháp luật lao động, bởi vào những thời điểm cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng, thường có tình trạng yêu cầu làm việc thêm giờ quá thời gian quy định (hiện nay tối đa 300 giờ/năm)

Tuy nhiên, ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng, việc mở rộng khung giờ làm thêm cần tránh tình trạng người lao động bị doanh nghiệp bóc lột sức lao động khi quá trình tăng ca, làm thêm giờ sẽ giảm chi phí hơn so với việc tuyển nhân công mới.

“Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo các chế độ, chính sách cho lao động”, ông Bình nhấn mạnh.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều.

Hiện còn một số vấn đề lớn gồm: Mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong năm; thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước… đang lấy ý kiến đóng góp của các địa phương.

 
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật