Khi trợ giúp pháp lý đến với người nghèo, đồng bào dân tộc

Thứ tư, 09 Tháng 10 2019 07:44 (GMT+7)
Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32 về chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020. Đầu năm 2017, UBND tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện Quyết định trên và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trên địa bàn tỉnh. Hộ nghèo, đồng bào dân tộc càng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về pháp lý. Qua thống kê, người nghèo cần chính sách TGPL có đến 35.248 trong đó, đồng bào người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 25.661 người.

Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.K

Khi triển khai việc TGPL tại các xã nghèo, ấp đặc biệt khó khăn giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ việc cụ thể thì cần thiết nhất là quá trình tham gia tố tụng. Bởi nếu tư vấn pháp luật là khâu ban đầu, thì luật sư đại diện cho đối tượng tham gia tố tụng tại tòa là giai đoạn kết, nhất là khi điều kiện của bà con không thể thuê luật sư tại các văn phòng luật với giá cả khá cao.

Trung tâm TGPL với chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, đã cử nhiều lượt trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL trong tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là người được TGPL sinh sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính từ khi thực hiện theo Quyết định 32 đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng trong 178  vụ việc. Năm 2018 đã hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình 16 vụ việc (người nghèo, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số, người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi). Năm 2019 đến nay cũng đã thực hiện hàng chục vụ việc.

Việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc được chú trọng, Trung tâm thường xuyên phối hợp với Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, UBND các xã nghèo và các cá nhân, tổ chức có liên quan xây dựng, biên soạn các chuyên mục về TGPL, lồng ghép với các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, những vướng mắc pháp luật nổi cộm của địa phương mà người dân quan tâm. Phát trên Trạm truyền thanh các xã nghèo và trên loa di động tại tất cả 58 xã nghèo, ấp đặc biệt khó khăn định kỳ ít nhất 1 lần/tháng để giúp người dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với TGPL, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện về thông tin để biết quyền được TGPL mà Nhà nước dành cho họ. Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2019, đã tổ chức 72 đợt truyền thông về TGPL tại xã nghèo, ấp đặc biệt khó khăn cho gần 2.000 lượt người tham dự, qua đó tư vấn tại chỗ 146 vụ việc cho 146 người thuộc diện TGPL.

Trung tâm TGPL cũng đã trang bị đường dây nóng về TGPL với số điện thoại dễ nhớ (0291.3556.559). Hiện nay, đường dây nóng được duy trì hoạt động thường xuyên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm lượt người dân gọi đến để phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống. Từ đó kịp thời tư vấn giải đáp thắc mắc, hướng dẫn lập yêu cầu được TGPL nếu là đối tượng theo quy định. Nhiều vụ việc được bảo vệ thành công, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thêm vững tin vào các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

Kim Phượng - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật