TPP: Hình sự hóa nhiều vi phạm về sở hữu trí tuệ

Thứ ba, 10 Tháng 12 2019 11:24 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – Cá nhân vào rạp chiếu phim mà ghi hình lại nội dung phim, gây thiệt hại cho chủ thể sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTTT) được hình sự hóa theo quy định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại hội thảo cập nhật thông tin về TPP do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức hôm 27-11 tại TPHCM, Việt Nam đã là thành viên của một số công ước, hiệp ước quốc tế về SHTT và đã tuân thủ các quy định về SHTT trong các hiệp định song phương và đa phương.
 
Do đó, ông Hùng cho rằng về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng quy định về quyền tác giả và quyền liên quan trong TPP, nhưng cũng có những quy định trong TPP hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Đặc biệt, quy định về thực thi quyền SHTT trong TPP không dựa vào việc liệu hành vi vi phạm có cố ý hay có quy mô thương mại hay không như quy định hiện nay của Việt Nam.
 
Theo đó, sau này, khi thực hiện TPP, những hành vi như xâm phạm thông tin quản lý quyền, công nghệ, xâm phạm tín hiệu vệ tinh, vào rạp phim quay camera,… mà có gây hại cho chủ thể sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, hay những hành vi vi phạm dù không thu lợi, không vì mục đích kinh doanh nhưng gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì vẫn có thể bị xem xét truy cứu hình sự.
 
Ngoài ra, trong TPP quy định tín hiệu vệ tinh đã được mã hóa cũng là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả – đây là quy định khá mới đối với nhiều nước trên thế giới. TPP cũng yêu cầu các cơ quan Chính phủ sử dụng phần mềm có bản quyền.
Trên thực tế, Việt Nam đã có văn bản yêu cầu thực hiện quy định này từ năm 2007-2008, nhưng TPP nhấn mạnh lại quy định này. Việt Nam sẽ có thời gian chuyển tiếp để thực hiện các quy định trên là 3 năm sau khi TPP có hiệu lực, và có thời gian 5 năm chuyển tiếp đối với việc thực hiện quy định nâng thời hạn bảo hộ hiện nay (là suốt đời tác giả và 50 năm tiếp theo sau khi tác giả qua đời) lên suốt đời tác giả và 70 năm tiếp theo. 
 
Hay, về quyền sở hữu công nghiệp trong TPP cũng có quy định về đăng ký nhãn hiệu mùi và âm thanh thay vì chỉ có nhãn hiệu hình như hiện nay. Theo ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), Việt Nam chưa có quy định này, và do đó pháp luật trong nước cũng phải thay đổi. Điều này trước mắt sẽ gây khó khăn vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn.
 
Theo ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, SHTT là một trong những vấn đề hiện Việt Nam cũng đang cần có những đổi mới. SHTT trong thời gian tới là một lĩnh vực phải thực sự trở thành động lực cho phát triển, sáng tạo.
 
Để thực hiện cam kết trong TPP, nhất là cam kết liên quan đến thực thi, Việt Nam phải rà soát lại các luật như hình sự, dân sự, SHTT… Theo ông Thanh, trong thời gian qua, việc xử phạt hành chính các vi phạm về SHTT chưa đủ sức răn đe. Có những vi phạm rất nghiêm trọng, dù bị phạt tiền, người vi phạm vẫn tái vi phạm.
 
“Bên cạnh mức xử lý mạnh hơn như hình sự hóa thì cũng phải có những hình thức xử phạt mà những người vi phạm không còn đất để phát triển lĩnh vực đó của họ thì mới có thể đủ để răn đe,” ông Thanh cho biết.
 
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công Thương, hiện nay toàn văn TPP bản tiếng Anh đã được các nước công khai trên các website, và hiện cơ quan phụ trách đang gấp rút dịch bản này sang tiếng Việt, nhưng hiện vẫn chưa xong. Hiện các nước đang hoàn thành thủ tục nội bộ và dự kiến vào tháng 2-2016, các nước sẽ ký kết.
Chương về sở hữu trí tuệ là chương cuối cùng được chốt lại trong đàm phán TPP vì các nước có nhiều bất đồng liên quan đến lĩnh vực này.
Nguồn: T. Thu - (thesaigintimes.vn)
T/h: Yến Phương - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật