Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của tên miền

Thứ năm, 12 Tháng 12 2019 10:24 (GMT+7)
Hiện nay, tên miền đang trở thành một công cụ góp phần nhận biết nguồn gốc thương mại của doanh nghiệp, sản phẩm, dẫn đến việc xung đột với các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trước khi có môi trường in-tơ-nét. Đã có nhiều tranh chấp khi tên miền có thể trùng lặp, gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ. Thậm chí, có những chủ thể đã đăng ký hàng loạt tên miền đẹp, trùng tên hoặc tương tự với những nhãn hiệu, tên thương mại nổi tiếng để trục lợi.
 
Tên miền được đăng ký với nguyên tắc là duy nhất, ai đăng ký trước sẽ là chủ sở hữu hợp pháp, cho nên đã có nhiều người chủ động đăng ký những tên miền mà quyền SHTT về tên lại thuộc về người khác. Các chủ thể quyền mặc dù có những nhãn hiệu, sản phẩm nhưng chưa đăng ký tên miền thường buộc phải mua lại với giá cao, hoặc cá nhân đã sử dụng tên miền cho các sản phẩm gây lầm tưởng cho người dân. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng tranh chấp tên miền giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý với chủ thể sở hữu tên miền.
 
Hàng loạt các tên miền như: “sony.vn”, “thebodyshop.com.vn”, “bkav.vn”… trùng tên hoặc tương tự đến mức có thể gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ, được đăng ký, sử dụng bởi các cá nhân không phải chủ sở hữu nhãn hiệu tương ứng. Những vi phạm nếu gây ảnh hưởng đến chủ thể quyền thì có thể được xử lý bằng biện pháp hành chính, tư pháp hoặc trọng tài theo Luật SHTT. Nhưng thời gian qua, những vi phạm về SHTT về tên miền chưa được xử lý triệt để, hầu hết các trường hợp vi phạm chưa bị thu hồi, khiến nhiều chủ thể quyền vẫn tiếp tục bị xâm phạm.
 
Để tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý tên miền vi phạm SHTT, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng SHTT, ngày 8-6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN (TTLT số 14), hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ KH và CN Nguyễn Như Quỳnh, TTLT số 14 quy định về các biện pháp xử lý tên miền vi phạm pháp luật về SHTT, bao gồm: Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin, trả lại và thu hồi tên miền; trình tự, thủ tục thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền và thu hồi tên miền; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan trong xử lý tên miền vi phạm pháp luật về SHTT.
 
Theo đó, các hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền nhằm mục đích lợi dụng, gây thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của các đối tượng được bảo hộ thì chủ thể quyền có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra để thay đổi, thu hồi tên miền. Với hành vi sử dụng tên miền vi phạm được thực hiện trước thời điểm thanh tra, kiểm tra vẫn có thể bị xử lý, nhưng chủ thể quyền phải chứng minh được hành vi sử dụng tên miền vi phạm pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
 
Ý kiến từ nhiều chuyên gia cho rằng, TTLT số 14 vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền vi phạm pháp luật SHTT. Các đối tượng có thể “lách luật” bằng cách đăng ký tên miền trùng tên với nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng lại quảng cáo, đưa thông tin về sản phẩm khác. Khi đó, chủ sở hữu vẫn phải mua lại hoặc tiếp tục nộp đơn khởi kiện ra tòa án theo quy định. Ngoài ra, các đối tượng còn có thể đăng ký những tên miền “.com”, “.net”, “.org”… ở quốc tế, nhưng hoạt động tại Việt Nam thì vẫn chưa có hướng để xử lý được. TTLT số 14 chỉ có thể xử lý các tên miền do Việt Nam cấp và quản lý.
 
Đây là vấn đề bất bình đẳng giữa tên miền quốc tế và Việt Nam có thể gây khó khăn cho các chủ thể và việc xử lý tranh chấp tên miền, quyền SHTT. Các cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý những website có tên miền quốc tế, rút giấy phép hoạt động, nhưng không thể thu hồi do tên miền thuộc thẩm quyền của các cơ quan quốc tế. Nếu website đó đặt tại nước ngoài, trụ sở chính cũng là đơn vị nước ngoài và chỉ hoạt động kinh doanh thông qua các đại lý thì càng khó xử lý. Lúc đó, các phán quyết của cơ quan quản lý hoàn toàn không có hiệu lực.
 
Tuy nhiên, việc ra đời TTLT số 14 cũng giúp các cơ quan chức năng có thể gỡ bỏ những tên miền sai phạm, xâm phạm quyền SHTT được bảo hộ dễ dàng hơn trước. Phó Cục trưởng SHTT Lê Ngọc Lâm cho rằng, đã đến lúc các chủ sở hữu nhãn hiệu phải có ý thức tự bảo vệ bằng cách kịp thời đăng ký nhãn hiệu, tên miền… để giữ chỗ trong sản xuất, kinh doanh. Nếu chậm trễ, rất có thể các tên miền sẽ bị chiếm đoạt, khi đó hoạt động quảng bá thương hiệu sẽ khó thực hiện được, sản phẩm khi đưa ra thị trường cũng bị ảnh hưởng, người tiêu dùng sẽ nghi ngờ về chất lượng, ảnh hưởng đến doanh thu.
 
Bên cạnh đó, nếu xảy ra tranh chấp tên miền, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian, tiền và công sức theo đuổi vụ việc. Mặt khác, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, việc đăng ký, sở hữu tên miền sẽ giúp các chủ thể không bị thua thiệt, hạn chế các tranh chấp và khẳng định giá trị thương hiệu trong môi trường quốc tế.
 
Nguồn: Nhật Minh - (nhandan.com.vn)
T/h: Yến Phương - ( dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật