Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, nơi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng vào tháng 10-2019.
Trong tháng 10-2019, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra ba trường hợp nạn nhân chết sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Đơn cử, ngày 11-10, bệnh nhân C.T.L chết sau khi phẫu thuật căng da mặt tại bệnh viện thẩm mỹ Kangnam do sốc phản vệ liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật. Ngày 17-10, nạn nhân là V.N.A.T chết sau ca phẫu thuật thẩm mỹ ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, phường 12, quận 10. Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, nguyên nhân người bệnh V.N.A.T chết là suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi dẫn đến ngừng tim. Sai sót chuyên môn trong trường hợp này là bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh. Khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về tim mạch, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân; chưa có quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật, cho nên khó phát hiện khi người bệnh trở nặng để xử trí kịp thời. Đến ngày 29-10, một nữ bệnh nhân 65 tuổi bị chết khi xăm chân mày. Theo đánh giá của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đây là trường hợp đột quỵ não cùng thời điểm với lúc xăm chân mày.
Ngoài ra, hầu như tuần nào cơ quan thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định về dịch vụ thẩm mỹ, buôn bán mỹ phẩm, dược phẩm. Vi phạm phổ biến là quảng cáo chưa được phê duyệt hoặc vượt quá phạm vi, hành nghề không có chứng chỉ hoặc vượt quá chuyên môn. Theo Trưởng phòng Y tế quận 10 Nguyễn Văn Nguyên, trong đợt 1 kiểm tra năm 2019, quận đã phối hợp Thanh tra Sở Y tế thực hiện kiểm tra 4/65 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 19 trong số 229 cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc da và đã xử phạt 14 cơ sở với số tiền 400 triệu đồng. Nhiều cơ sở cung cấp các dịch vụ vượt quá phạm vi chuyên môn, như: cắt mí, nhấn mí, tiêm chất làm đầy; liên kết với bác sĩ mổ chui; quảng cáo khi chưa được cấp phép… Khó khăn cho lực lượng kiểm tra là các thủ thuật làm đẹp thường làm nhanh, khó phát hiện. Nhiều cơ sở còn gắn ca-mê-ra để đối phó lực lượng chức năng. Trong kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX mới đây, lãnh đạo Sở Y tế thành phố cho biết, trong 15 bệnh viện thẩm mỹ trên địa bàn thành phố chưa có bệnh viện nào có chất lượng tốt. Các cơ sở thẩm mỹ hiện nay thường quảng cáo quá mức để thu hút người bệnh.
Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để hạn chế, ngăn chặn những sự cố y khoa, trong thời gian tới, Thanh tra Sở Y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp các sở, phòng y tế kiểm tra toàn diện các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, spa, chăm sóc da, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn. Việc kiểm soát thông tin quảng cáo rất cần thiết và cần phải thực hiện quyết liệt hơn. Những người làm phẫu thuật thẩm mỹ phải được đào tạo chuyên môn, thực hiện đúng các quy chế hành nghề. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật đến người dân và các cơ sở hành nghề, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết…Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), qua các sự cố y khoa vừa qua, các cơ sở y tế nói chung và các cơ sở thẩm mỹ nói riêng cần rút kinh nghiệm, lưu ý hơn nữa việc khai thác bệnh sử của người bệnh, tuân thủ quy chế hồ sơ bệnh án, chú ý kỹ năng xử trí các tình huống người bệnh cấp cứu, tuân thủ quy chế hội chẩn; quy trình kỹ thuật, quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật,…
Hiện nay, số lượng các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp ngày càng nhiều do nhu cầu làm đẹp của người dân tăng. Tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở thẩm mỹ thu hút nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Đây là một thách thức cho thành phố trong việc quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Để bảo vệ sức khỏe người bệnh, ngành y tế thành phố cần thanh tra, kiểm tra thường xuyên, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm.
BÀI VÀ ẢNH: VÕ MẠNH HẢO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)