Người dân xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trồng cam chanh, loại cam đã được cấp Nhãn hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc.
Nhãn hiệu chứng nhận là một loại nhãn hiệu đặc thù trong hệ thống bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp của Việt Nam. Theo đó, bên cạnh các yếu tố cơ bản của một nhãn hiệu thông thường (như có khả năng nhìn thấy được, dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể kinh doanh khác nhau) thì NHCN còn dùng để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Sau khi trở thành chủ sở hữu NHCN, chủ sở hữu NHCN có thể cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu này trên hàng hóa, dịch vụ của họ theo các quy định trong quy chế sử dụng NHCN.
Hiện nay, UBND cấp huyện, tỉnh có thể nộp đơn đăng ký và trở thành chủ sở hữu các NHCN. Thí dụ, mới đây, UBND huyện Yên Thủy đã đăng ký và là chủ sở hữu NHCN bưởi Yên Thủy. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Ðiều 105 Luật Sở hữu trí tuệ, một trong các điều kiện để được đăng ký NHCN là chủ sở hữu NHCN phải ban hành quy chế sử dụng NHCN, trong đó quy định các đặc tính sản phẩm, trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên sử dụng nhãn hiệu (như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân) trong việc duy trì danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm. Thông thường, khi đăng ký NHCN, UBND sẽ ra quyết định về việc ban hành quy chế sử dụng NHCN đó.
Thời gian qua, việc UBND với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định ban hành quy chế sử dụng NHCN đang nảy sinh vấn đề chồng chéo trong quản lý và chưa thúc đẩy được sự tham gia của các chủ thể sử dụng NHCN. Ở góc độ quản lý nhà nước, quyết định ban hành quy chế sử dụng NHCN của UBND các cấp được coi là một quyết định hành chính, quy định một số nội dung về quản lý nhà nước tại địa phương đối với NHCN. Do đó, các thủ tục về cấp phép sử dụng NHCN, thủ tục kiểm soát việc sử dụng, thủ tục kiểm soát các đặc tính của sản phẩm của UBND các cấp được coi là thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu theo góc độ này thì quyết định ban hành quy chế sử dụng NHCN của UBND có dấu hiệu "vi phạm pháp luật", bởi khoản 4 Ðiều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 Ðiều 103 Nghị định số 34/2016/NÐ-CP nêu rõ cấm quy định thủ tục hành chính trong quyết định của UBND các cấp.
Nhiều chuyên gia sở hữu trí tuệ cho rằng, thực chất, NHCN là một loại tài sản theo quy định của pháp luật dân sự cho nên nếu nhìn từ góc độ quản lý tài sản trong giao dịch dân sự thì đây là văn bản quản lý tài sản của chủ sở hữu NHCN. Theo đó, nội dung của quy chế sử dụng NHCN không phải nhằm điều chỉnh mối quan hệ quản lý hành chính giữa UBND với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu mà điều chỉnh mối quan hệ mang bản chất dân sự giữa chủ sở hữu nhãn hiệu với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng NHCN và đáp ứng các điều kiện sử dụng mà chủ sở hữu đặt ra. Về bản chất, Quy chế quản lý và sử dụng NHCN là văn bản quản lý tài sản nhằm thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với NHCN của chủ sở hữu. Mặt khác, việc UBND là chủ thể quản lý sử dụng NHCN đã tạo cơ chế xin, cho sử dụng NHCN, chưa thúc đẩy doanh nghiệp, cá nhân tham gia sử dụng, bảo vệ NHCN.
Từ những bất cập nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi các quy định hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký NHCN, theo hướng giao việc đăng ký các NHCN mang địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương cho các tổ chức hiệp hội, hợp tác xã hoặc tổ chức khác đáp ứng đủ điều kiện thực hiện. Ðây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm đăng ký, khai thác NHCN hiệu quả. Thời gian tới, cần nâng cao năng lực của các hiệp hội để đáp ứng yêu cầu của việc hỗ trợ phát triển các đặc sản địa phương.
MINH HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)