Sẽ quản lý chặt việc nuôi chim yến

Thứ sáu, 19 Tháng 6 2020 10:25 (GMT+7)
Nhiều cử tri, người dân trên địa bàn tỉnh phản ánh đến ngành chức năng về việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày của gia đình họ.
Theo Luật Chăn nuôi năm 2018, vùng nuôi yến trên địa bàn tỉnh sẽ được HĐND tỉnh quyết định.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm nhà nuôi chim yến, tập trung đều khắp ở các địa phương. Để thu hút, dẫn dụ chim yến về, các hộ lắp đặt hệ thống âm thanh phát ra tiếng chim yến gọi bầy vượt giới hạn cho phép. Trong khi hầu hết nhà nuôi yến nằm xen kẽ ở khu dân cư nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày của người dân, chưa kể nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khá cao.
 
Cử tri Nguyễn Thu Hiền, ngụ thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, cho biết: “Thời gian gần đây, hộ dân gần nhà tôi đã cải tạo nhà thành hai trong một, nghĩa là vừa ở vừa nuôi chim yến. Nhà này mở loa dẫn dụ chim yến suốt ngày đêm, âm thanh lớn đến nỗi tôi đi khoảng 1km mà vẫn còn nghe. Rồi thì phân chim, lông chim rơi khắp cả khu vực. Tôi thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có quy định để quản lý chặt hơn hoạt động nuôi chim yến, nhất là trong khu dân cư”.
 
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tình, ngụ thị trấn Rạch Ròi, huyện Châu Thành A, bức xúc nói: “Cứ đều đặn từ 6 giờ sáng đến chiều tối, một hộ gần nhà tôi phát loa inh ỏi để dẫn dụ chim yến về khiến thời gian nghỉ ngơi của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là lúc đi làm về mệt mà còn bị tiếng chim kêu từ loa tra tấn. Ý kiến thì ngại mất lòng hàng xóm, nhưng không nói để tình trạng như vậy hoài quả thật tôi chịu không nổi”.
 
Ở nhiều nơi khác, người dân cũng phản ánh tình trạng tương tự từ việc nuôi chim yến ở khu dân cư làm ô nhiễm tiếng ồn, mất vệ sinh môi trường và gây nguy cơ dịch bệnh…
 
Theo quy định tại khoản 1, Điều 12 của Luật Chăn nuôi năm 2018 về các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, có quy định nghiêm cấm việc chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
 
Tuy nhiên, do Luật Chăn nuôi năm 2018 vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 nên chưa có quy định cụ thể về khu vực cấm chăn nuôi, đặc biệt là đối với chim yến. Bên cạnh đó, việc quản lý nuôi yến ở các địa phương gặp nhiều khó khăn do chồng chéo trong công tác cấp phép, quản lý. Chẳng hạn như quản lý chăn nuôi thuộc về ngành thú y, trong khi cấp phép xây dựng nhà nuôi yến thuộc về ngành xây dựng.
 
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng để khắc phục hạn chế trên, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó tại Điều 25 của nghị định quy định về vùng nuôi chim yến sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định.
 
Nghị định trên cũng yêu cầu vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến. Đối với cơ sở nuôi chim yến, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA; thời gian phát loa phóng thanh để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ mỗi ngày.
 
Hiện UBND tỉnh đã hoàn thiện dự thảo Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Hậu Giang.
 
“Trên cơ sở đó, UBND sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết quy định về khu vực cấm chăn nuôi, các chính sách đối với việc nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh. Khi nghị quyết chính thức được thông qua, kỳ vọng sẽ đảm bảo việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ hơn”, ông Đặng Ngọc Giao thông tin.
 
Gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn sẽ bị xử phạt
 
Việc gây tiếng ồn do mở loa dẫn dụ chim yến nếu vượt các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật sẽ bị xử phạt. Cụ thể, Điều 17 Nghị định 155/2016 quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; phạt tiền từ 1.000.000-5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA; phạt tiền từ 20.000.000-40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA; mức phạt cao nhất có thể lên đến 160.000.000 đồng nếu vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 40 dBA...
Bài, ảnh: Đ.BẢO - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật