Sở hữu trí tuệ: Công cụ cạnh tranh hiệu quả

Thứ năm, 09 Tháng 7 2020 00:02 (GMT+7)
Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo đó, các ngành, DN, người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức về vấn đề này.
 
Nhận định của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, đang dần khẳng định vai trò là thước đo khả năng tồn tại và hiệu quả hoạt động của DN. Do đó, xây dựng và phát triển hệ thống SHTT nhằm khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ của DN là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Theo khảo sát, 90% người tiêu dùng cho rằng, thương hiệu là yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm.
 
so huu tri tue cong cu canh tranh hieu qua
Thương hiệu là yếu tố quyết định khi người tiêu dùng lựa chọn mua sắm

 

Trên thế giới, giá trị của tài sản vô hình đóng góp trong tổng tài sản của DN chiếm trên 70%, cá biệt, tài sản vô hình của một số DN chiếm trên 90%. Bên cạnh đó, còn góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng hàng giả và hàng nhái.
 
Thống kê của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, với việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, năm 2019, Cục đã tiếp nhận 68.386 đơn đăng ký xác lập, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: 7.290 đơn sáng chế (gồm 1.128 đơn của Việt Nam); 3.091 đơn kiểu dáng công nghiệp; 48.374 đơn nhãn hiệu quốc gia; 9.017 đơn nhãn hiệu quốc tế đăng ký qua hệ thống Madrid; 10 đơn chỉ dẫn địa lý, 244 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. Qua đó, Cục SHTT đã cấp văn bằng bảo hộ cho 36.504 đối tượng sở hữu công nghiệp, tăng 44,1% so với năm 2018.
 
Đây là những minh chứng cho thấy, nhận thức của DN Việt Nam về SHTT ngày càng được cải thiện và nâng lên đáng kể. Đồng thời, cũng phản ánh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động SHTT nói chung và quyền SHTT của DN nói riêng. Hiện nay, hành lang pháp lý để thúc đẩy SHTT đã được quan tâm hoàn thiện. Trong năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện các nội dung liên quan đến SHTT để Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT; tập trung hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật SHTT (sửa đổi) để trình Chính phủ thông qua nhằm thi hành các cam kết theo Hiệp định CPTPP.
 
Bên cạnh đó, triển khai quy chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng quản lý chỉ dẫn địa lý; tập trung hỗ trợ DN xây dựng chiến lược SHTT, quản trị tài sản trí tuệ; triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 với trọng tâm hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của địa phương như đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn.
 
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHcho biết, các ngành, DN, người tiêu dùng phải hiểu rõ quyền SHTT. Nếu nâng cao được nhận thức quyền SHTT, có văn hóa khai thác quyền SHTT sẽ góp phần đáng kể ngăn chặn tiêu thụ hàng giả. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục nâng cao kiến thức về SHTT, bởi đây là loại tài sản vô hình và không phải thuần túy dễ dàng nhận dạng. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp các cơ quan chức năng trong nước nâng cao năng lực, nhanh chóng đối phó với mức độ xâm phạm SHTT.
 
Quỳnh Nga (congthuong.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật