Mật phục bắt tại trận
Theo hồ sơ, đầu tháng 9-2020, Công an quận Bình Thạnh nhận đơn trình báo của chị T.T.M (ngụ quận 6, TP HCM) về một băng cho vay theo kiểu tín dụng đen với mức lãi suất "cắt cổ". Xét thấy vụ việc này có dấu hiệu phạm pháp hình sự với mức độ, tính chất rất tinh vi, xảo quyệt, Công an quận Bình Thạnh đã lập tức lên phương án đấu tranh.
Sau một tháng đeo bám, các trinh sát hình sự xác định băng nhóm cho vay này hoạt động theo mô hình chia con nợ cho nhau để "hút máu". Nạn nhân mới thường được băng này cho vay theo các gói từ 10-20 triệu đồng, trả góp từ 24 đến 30 ngày (tùy theo gói). Tuy nhiên, khi thấy người vay có nhà cửa ổn định hoặc nếu có tài sản lớn, sẽ dùng thủ đoạn "dồn nợ" bằng cách cho vay thêm khoản nợ mới từ 100-300 triệu đồng. Với các gói nợ lớn, cộng thêm số lãi "cắt cổ", đương nhiên người vay rơi vào vòng khủng hoảng. Chỉ chờ đến đây, bọn chúng gây áp lực như nhắn tin khủng bố tinh thần, chửi, tạt sơn nhà cửa của người vay.
Công an quận Bình Thạnh, TP HCM bắt quả tang đối tượng trong băng nhóm cho vay nặng lãiẢnh: Ý LINH
Khoảng 20 giờ ngày 10-9, nhận tin có 6 đối tượng kéo đến nhà nạn nhân M. (đường Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh) để lấy nợ, Công an quận Bình Thạnh quyết định triệt phá. Hàng chục trinh sát được bố trí mật phục khắp các tuyến đường từ Nguyễn Gia Trí đổ vào Võ Oanh. Khi các đối tượng vừa lấy tiền xong (tổng cộng gần 200 triệu đồng), đã bị các trinh sát bất ngờ khống chế, bắt quả tang.
Tại cơ quan điều tra, 6 đối tượng bị bắt quả tang được xác định gồm: Lê Văn Quang, Vũ Ngọc Giang, Phạm Văn Thế (tên thường gọi là Khánh, quê Nam Định); Nguyễn Hữu Hiệp (tên thường gọi là Hưng, quê Hà Nội); Nguyễn Văn Minh (quê An Giang) và Nguyễn Thanh Tùng (quê Hà Nội). Công an quận Bình Thạnh xác định Quang và Giang là 2 đối tượng có vai trò chính, liên kết để cho chị T.T.M vay nhiều gói nợ, lãi suất từ 20%-45%.
Khi rơi vào bẫy, cần làm gì?
Cũng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cùng ngày, Công an TP HCM cho hay sau khi nhận được đơn cầu cứu của bà B.M.X (giám đốc một công ty có trụ sở trên địa bàn quận Tân Bình, TP HCM), công an đã mời một số đối tượng liên quan đến làm việc để điều tra vì có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi.
Theo bà X., tháng 8-2019, do công ty làm ăn khó khăn, không có tiền đáo hạn ngân hàng nên bà được một phụ nữ giới thiệu vay tiền của người đàn ông tên N. 200 triệu đồng. Trong hợp đồng có ghi bà X. vay 240 triệu đồng, gồm 200 triệu đồng tiền gốc, 40 triệu đồng tiền lãi và phải trả trong vòng 24 ngày. Ông N. đưa cho bà X. 180 triệu đồng tiền mặt, giữ lại 20 triệu đồng với lý do để thu góp tiền gốc và lãi 2 ngày đầu. Sau đó, bà X. còn nhiều lần vay tiền của ông N. với phương thức tính lãi như trên. Mất khả năng chi trả, bà X. được ông N. giới thiệu vay tiền của người khác để trả nợ cũ. Tiền gốc và lãi quá lớn khiến bà X. vỡ nợ, phải vay tiền của người sau trả cho người trước. Tổng cộng, bà X. đã vay 38 người với tiền gốc và lãi lên đến gần 90 tỉ đồng. Liên tục bị các đối tượng đe dọa "xử đẹp", bà X. buộc phải bán hết tài sản và công ty, trả được 63 tỉ đồng, số còn lại không có khả năng trả nợ. Từ đây, bà X. bắt đầu bị các chủ nợ khủng bố, tạt sơn, ép ra khỏi nhà để cấn nợ.
Đỉnh điểm, trong 2 ngày 27 và 29-7, nhà gia đình bà X. trên đường Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình liên tục bị tạt sơn và mắm tôm. Đến ngày 13-9, xuất hiện một số đối tượng lạ mặt đến bấm chuông khủng bố mẹ già rồi tạt sơn vào nhà. Gần đây, bà X. liên tục nhận được tin nhắn kèm theo chai axít và hình ảnh các nạn nhân bị tạt axít trên mạng.
Do liên tục bị uy hiếp tinh thần nên mẹ của bà X. (năm nay gần 80 tuổi) bị ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Riêng bà X., vì sợ an nguy đến gia đình và 2 con đang tuổi ăn học nên đã làm đơn cầu cứu Công an TP HCM, Công an quận Tân Bình và Báo Người Lao Động. Chỉ đến khi công an vào cuộc điều tra, các đối tượng mới buông tha cho gia đình bà X.
Tương tự, biết bà L.T.N.V (ngụ quận 7, TP HCM) cần tiền để lo ma chay cho người thân mới qua đời nên nhóm đối tượng tiếp cận cho bà vay 50 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. Đóng lãi được 3 tháng, bà V. không có khả năng chi trả nên bị các đối tượng lạ mặt đe dọa, ép vay thêm 30 triệu đồng để đóng lãi cũ. Cứ thế, nếu bà V. đóng lãi chậm hoặc không có tiền đóng lãi thì bị các đối tượng cộng dồn tiền lãi và gốc khiến tiền nợ mỗi lúc một lớn hơn. Từ ngày vay lần đầu 1-5-2019 đến ngày 25-2-2020, bà V. vay 50 triệu đồng, đã đóng lãi 133,5 triệu đồng, vẫn còn nợ 160 triệu đồng. Sau khi công an vào cuộc, gia đình bà V. mới được yên ổn.
Phải "soi" kỹ hơn
Theo luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP HCM), để xử lý tận gốc tình trạng cho vay nặng lãi, cần rà soát và quản lý chặt chẽ các trang web tín dụng, ứng dụng (app) cho vay; kế đến tạo được một hành lang pháp lý đủ mạnh để những tổ chức tín dụng, cá nhân cho vay không đủ điều kiện khó bề hoạt động. Ngoài ra, cần xem xét lại hiệu lực của việc viết giấy tay vay nợ, thế chấp bằng nhà ở và tài sản lớn khác. Đặc biệt, trường hợp tòa án thụ lý tranh chấp loại này, nếu phát hiện có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen, lập tức chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ.
S.Hưng
SỸ HƯNG - Ý LINH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)