Báo cáo từ Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho thấy trong quý I-2023, doanh nghiệp này có doanh thu thuần hơn 27.000 tỉ đồng và lãi gộp 5.200 tỉ đồng, giảm tương ứng 26% và 36% so với cùng kỳ.
Bên cạnh sự đi xuống của mảng cốt lõi, Thế Giới Di Động phải gánh chi phí lãi vay cao hơn nhiều so với cùng kỳ, ở mức 296 tỉ đồng. Điểm sáng là chi phí bán hàng giảm hơn 250 tỉ đồng. Doanh nghiệp lãi ròng 21 tỉ đồng, lao dốc 99% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức ảm đạm nhất kể từ khi Thế Giới Di Động lên sàn chứng khoán cách đây hơn 10 năm.
Nhằm giúp kinh doanh ổn định, Thế Giới Di Động ưu tiên duy trì doanh thu và bảo vệ dòng tiền, bên cạnh đó là kiểm soát các hạng mục chi phí lớn như chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện. Công ty sẽ tạm ngưng mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi bán lẻ AVAKids, chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương.
Năm 2023, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu 135.000 tỉ đồng doanh thu và 4.200 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với kết quả năm 2022.
Thế Giới Di Động bắt đầu lo lắng về sự tăng trưởng không được như kỳ vọng
Một đơn vị bán lẻ lớn khác là Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2023 với doanh thu đạt 7.753 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 3.284 tỉ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi FPTShop mang về 4.513 tỉ đồng doanh thu, giảm 20%, chủ yếu do áp lực giảm cầu, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm từ Apple.
Chuỗi bán lẻ này có doanh thu tài chính giảm 67% so với cùng kỳ, đạt 16 tỉ đồng do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trong khi đó, các chi phí lại tăng mạnh, chi phí tài chính tăng 58% lên 86 tỉ đồng, chi phí bán hàng tăng 24% lên 913 tỉ đồng, riêng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30% xuống 205 tỉ đồng.
Theo đó FRT ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2 tỉ đồng, giảm 99% so với mức lãi 169 tỉ đồng quý 1-2022. Lợi sau thuế công ty mẹ âm 5 tỉ đồng. Đây là mức lãi ròng thấp nhất trong gần 3 năm qua, kể từ quý 2-2020. Doanh thu online toàn công ty chủ yếu đến từ chuỗi FPTShop. Tuy nhiên, mặc dù doanh thu chuỗi FPTShop giảm mạnh nhưng doanh thu online chỉ giảm 4% so với quý 1-2022 đạt 1.410 tỉ đồng, chiếm 18% tổng doanh thu hợp nhất.
Nguyên nhân được công ty đưa ra là quý I năm nay nhu cầu hàng hoá liên tục giảm mạnh do ảnh hưởng bởi sự biến động của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô không thuận lợi, lạm phát và lãi suất vẫn đang ở mức cao. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Trong năm 2023, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu là 34.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 240 tỉ đồng, lần lượt tăng 13% và giảm 51% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty chỉ hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận năm. Tính tới 31-3, tổng tài sản FPT Retail giảm hơn 1.000 tỉ đồng so với đầu năm, đạt 9.440 tỉ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 6.303 tỉ đồng, chiếm 67% tổng tài sản.