Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 23/12/2019, đại diện cho ngành chế biến gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đưa ra các kiến nghị tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy tiềm năng của ngành chế biến gỗ. Trong đó đặc biệt là hai khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ trong nước và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Khanh cũng đưa ra đề xuất cần phải tạo một hệ sinh thái để phát triển ngành chế biến gỗ.
Chế biến gỗ Việt Nam đứng vị trí số 1 Đông Nam Á
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, kết thúc năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt con số 11 tỷ USD xuất khẩu. Là ngành kinh tế mới nổi trong cấu trúc của kinh tế Việt Nam trong vị thế xuất khẩu chế biến gỗ Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và thứ 5 thế giới, tự tin ở ngôi vị số 2 thế giới trong vòng 5 năm tới. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp, ngành gỗ ngày càng chiếm tỉ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số đều trong suốt 20 năm qua, hơn 18% cho năm 2019, mức tăng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Việt Nam.
“Vị thế ngành gỗ phát triển đang rất tốt. Với những nguồn lực hiện tại, ngành sẽ chạm mức xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 nếu được quy hoạch và thực thi tốt tầm nhìn”, ông Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.
Ngành chế biến gỗ đang đứng trước cơ hội xuất khẩu rất tốt. Nguồn ảnh Internet.
Thiếu nguyên liệu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Khanh cũng nêu ra một số thách thức cho ngành chế biến gỗ. Trong đó có thách thức về nguồn nguyên liệu. Trên thực tế tình trạng lâm dân (người trồng rừng) “bán lúa non”, chấp nhận thu hoạch sớm cho việc băm làm dăm gỗ dù giá bán rẻ hơn. Thách thức ấy cho thấy việc quy hoạch gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng cần phải được tổ chức lại, với cái nhìn dài hơi hơn.
Một thách thức khác của ngành chế biến gỗ đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Toàn ngành chế biến gỗ đang có khoảng 500.000 nhân lực làm việc tại 5.000 doanh nghiệp, chưa kể hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp sản xuất chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông.
Với ngành gỗ, nhu cầu nhân lực không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các ngành, từ thiết kế - sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính, công nghệ. Ngành chế biến gỗ cần định hướng phát triển ứng dụng công nghệ hướng đến dây chuyền hóa, tự động hóa, số hóa… nhu cầu đào tạo lao động chất lượng cao có kỹ năng tốt cho ngành chế biến gỗ đang và sẽ là rất lớn. Nên rất cần có sự đồng hành và chung tay của nhà nước với doanh nghiệp cùng định hướng hợp tác đào tạo xây dựng nguồn nhân lực.
“Để doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ có thể phát triển bền vững và mạnh mẽ, xứng với tiềm năng, vẫn cần hoàn thiện những mảnh ghép trong toàn bộ bức tranh chung. Bởi thực tế, công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn”, ông Nguyễn Quốc Khanh nói.
Cơ hội lớn, phải tính chuyện khai thác giá trị gia tăng cao hơn
Ngành công nghiệp nội ngoại thất toàn cầu có giá trị hàng hóa lên đến 450 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị sản xuất gia công, chỉ 140 tỉ USD. Trong khuynh hướng sống xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế các vật liệu có nguồn gốc khoáng sản như bê tông, kim loại… việc sử dụng sản phẩm gỗ ngày càng được ưa chuộng vì nguyên liệu này có khả năng tái tạo, góp phần giữ màu xanh cho trái đất. Nhờ vậy mà ngành gỗ có thêm cơ hội. Để tiến đến khai thác tốt khung giá trị này, doanh nghiệp ngành gỗ phải hội tụ được các yếu tố mà doanh nghiệp Việt Namchưa tốt, đó là thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại. Nhưng trên hết, là việc thay đổi tầm nhìn, định hướng dài hạn.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang làm rất tốt khâu sản xuất nhưng lại vướng hạn chế “nhỏ yếu”, không dám vươn mình ra biển lớn. Với đặc thù phần lớn doanh nghiệp trong ngành chế biên gỗ vẫn ở qui mô nhỏ thì việc nghĩ ngắn, giải quyết chuyện cơm, áo thường nhật là khó tránh. Nhưng nếu chúng ta không có được tầm nhìn định hướng phát triển lâu dài, không có tâm huyết với ngành thì sẽ khó tiến đến câu chuyện bền vững. Sẵn sàng đầu tư cho những giá trị vô hình như thiết kế, thương mại, thương hiệu - là cách để chúng ta tự nâng tầm.
Với thiết kế, đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt nhưng hoàn toàn có thể đầu tư để khai thác, từ việc tập trung hơn nữa trong công tác đào tạo đến việc thuê hay mua thiết kế từ các quốc gia có thế mạnh này. Tất cả phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy trước, từ đó sẽ mở ra cách làm. Doanh nghiệp trong ngành sẽ làm chủ cuộc chơi, mạnh dạn tự tin vào khả năng tham gia sân chơi quốc tế với vai trò dẫn dắt thị trường.
Phát triển hệ sinh thái xung quanh ngành chế biến gỗ
Thực chất, trong xu hướng kết hợp đa vật liệu của thế giới, chế biến gỗ không còn gói gọn trong một ngành mà đã là tổng hoà của rất nhiều ngành nghề khác nhau. Như một chiếc bàn có thể làm từ gỗ, kim loại, vải, vật liệu tổng hợp, do đó sự kết hợp giữa các ngành nghề, các tổ chức là rất cần thiết trong việc phát triển hệ sinh thái cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Hiện tại, tư tưởng cục bộ địa phương, chưa phát huy được sức mạnh cốt lõi từng hiệp hội, chưa có quy hoạch ngành cũng đang phổ biến ở bất cứ ngành nào, nên khó tổ chức được chuỗi giá trị, không phát huy mô hình tích hợp gắn kết.
Đại diện HAWA đề xuất nhà nước nhanh chóng tiến hành xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô quốc tế xứng tầm. Đồng thời đề xuất thành lập Hiệp hội đồ gỗ và nội thất Việt Nam, trong đó TP.HCM sẽ là lá cờ đầu trong Hiệp hội này.
Đỗ Quyên link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc- (dongbang.vn)