Các doanh nghiệp gỗ lao đao trước diễn biến dịch bệnh.
“Chóng mặt” với đơn hàng bị hủy, tạm hoãn
Gần hai tuần nay, Công ty TNHH Minh Thành liên tiếp nhận được thông báo xin hủy và hoãn đơn hàng. Tính đến cuối tháng 3 số đơn hàng bị hủy đã lên tới khoảng ba triệu USD và số đơn hàng bị hoãn cũng đã khoảng hai triệu USD.
Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành cho biết: Trước đây bình quân mỗi tháng, công ty ông chế biến và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ với giá trị kim ngạch bình quân khoảng 2,5 triệu USD. Nhưng từ ngày 26-3, doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất vì tất cả đơn hàng đã bị báo hủy hoặc hoãn cho đến khi hết dịch. Điều này có nghĩa là khoảng 800 công nhân của doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng không có việc làm.
Cũng chung cảnh ngộ với Công ty Minh Thành, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ sang Mỹ như: Công ty Cổ Phần Lâm Việt, Công ty CP Kiến trúc Nội thất NaNo, Cty TNHH Tiến Triển… đều trong tình trạng bị hủy hoặc giãn đơn hàng, hàng trăm công nhân lâm cảnh không có việc làm.
Theo báo cáo sơ bộ từ các Hiệp hội gỗ địa phương và các doanh nghiệp chế biến gỗ từ giữa tháng ba cho tới nay, ngành đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể như:
Thị trường xuất khẩu chiếm 50% thị phần là Mỹ, đã có hơn 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường này đã có thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới. Tại thị trường EU, 81% doanh nghiệp đã nhận được thông báo hủy đơn và và giãn đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%. Hơn thế nữa, có 96% doanh nghiệp có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.
Trong khi các thị trường trọng điểm liên tiếp có các tín hiệu không lạc quan, để duy trì các đơn hàng còn lại, đơn hàng nhỏ lẻ, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu do thiếu công nhân khai thác gỗ nguyên liệu, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500-1.000 USD/container, và còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành gỗ đề xuất hỗ trợ để vượt qua đại dịch
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định: Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu do đó các doanh nghiệp gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 - 2021. Bởi thế, nhiều nhà máy tiền ẩn nguy cơ nhà máy đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trước tình hình thực tế hiện nay, ngành chế biến gỗ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để cứu ngành có giá trị xuất khẩu gần 11 tỉ USD vào năm 2019 vượt qua khó khăn này.
“Cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ như là lời động viên cần thiết, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để toàn ngành gỗ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi tiên phong trong công tác phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa giữ yên lòng dân và phát triển sản xuất”, ông Lập chia sẻ.
Để cứu ngành hàng có giá trị xuất khẩu hàng chục tỷ USD, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Chính phủ đưa phân ngành gỗ và chế biến gỗ như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) (phân ngành 16 - viên nén, ván lạng,….); sản xuất gường, tủ, bàn, ghế (phân ngành 31- đồ gỗ); gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại (mã ngành cấp 4: 2592 - phụ kiện hardware) vào Dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Đồng thời, xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện miễn thuế; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu từ các nước có quản trị rừng tốt như: EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.
Ông Lập khẳng định, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành sẽ giúp duy trì doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tồn tại, trụ lại được sau đại dịch để một khi đại dịch lắng dịu, nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi động lại, phục hồi nhu cầu tiêu dùng, thì doanh chế biến gỗ Việt còn có nội lực, còn có sức cạnh tranh trước những đối thủ.
“Nếu các DN ngành gỗ Việt không nhận được sự hỗ trợ sẽ chứng kiến tình trạng đóng cửa, phá sản lan tràn trước nguy cơ mất hết thị phần xuất khẩu ở ngay chính các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...”, ông Lập kiến nghị.
Trước bối cảnh dịch bệnh, ngày 30-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 2277/BNN-TCLN gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị bổ sung ngành chế biến gỗ, lâm sản vào đối tượng tại dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
THANH TRÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)