Cùng với Viforest, hội thảo có sự tham gia đồng tổ chức của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội gỗ Bình Định (FPA) và Tổ chức Forest Trends.
Phục hồi và phát triển ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores nhận định, năm 2020, ngành gỗ đặt mục tiêu 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng đến thời điểm này, với những tác động từ đại dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam
Khảo sát do các hiệp hội gỗ thực hiện với 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy tất cả đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng. Trong số 124 doanh nghiệp này, 75% cho biết thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng, 50% phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Theo ông Hoài, đại dịch do COVID-19 gây ra đang tác động tới mọi khía cạnh của xã hội và các ngành kinh tế, trong đó có ngành gỗ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra mức dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 2,7%, giảm mạnh từ con số 7% được dự báo trước đó. “Với một ngành có độ mở rất lớn như ngành gỗ, ngành có kim ngạch xuất đạt trên 10 tỷ USD năm 2019, đại dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung trong xuất nhập khẩu.
Sụt giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân công, sức ép về các khoản chi trong khi thiếu nguồn thu là những khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện đang phải đối mặt. Tình trạng này khiến các làng nghề giảm 80% hoạt động sản xuất, khoảng 50-60% xưởng xẻ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước cũng dừng hoạt động”, ông Hoài chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores cho hay, nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn kết người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn bị cho các hoạt động tái sản xuất, nhằm phục hồi sau dịch. Trong ngành hiện cũng đang hình thành các ý tưởng, sáng kiến không những giúp doanh nghiệp tái hoạt động mà còn chuẩn bị để tăng tốc và bứt phá thời hậu dịch.
Các doanh nghiệp ngành gỗ đang trông chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ để tăng sức vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì để vực dậy tình hình kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, dù là từ phía Chính phủ hay các ngân hàng.
“Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành từ ngày 8/4 nhưng vừa qua, chúng tôi vẫn nhận thông báo nộp thuế liên tục. Các gói hỗ trợ là để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, dần khôi phục và phát triển, nhưng đợi doanh nghiệp chết rồi mới hỗ trợ thì nói làm gì", ông Lập nói.
Doanh nghiệp cần linh hoạt, bình tĩnh để trụ vững
Ông Huỳnh Quang Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) nêu kiến nghị: “Các ngân hàng nên chung tay với doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Ngân hàng chính là “máy trợ thở” của chúng tôi nhưng lại vịn vào cớ rủi ro cao thì lãi suất phải cao. Tôi nghĩ Chính phủ luôn muốn điều tốt nhất cho doanh nghiệp, nhưng cần có ban ngành kiểm soát chặt chẽ và đẩy nhanh việc thực thi chính sách để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp".
Các làng nghề và doanh nghiệp cần chú trọng đến thị trường nội địa
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), có 3 tiêu chí quan trọng nhất để doanh nghiệp phục hồi là tốc độ, sáng tạo và tinh thần lạc quan. Ông Khanh nêu vấn đề và cơ hội đối với mặt hàng sàn gỗ.
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, sự bất ổn chính trị từ các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc… khiến người tiêu dùng có xu hướng tích góp thay vì chi tiêu. Do đó, việc xây dựng, trang trí nhà ở, các dự án bất động sản cũng bị trì trệ ảnh hưởng đến cả thị trường sàn gỗ hiện nay, các sản phẩm vật liệu châu Âu, đem lại cơ hội cũng như thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, sàn gỗ cũng có nhiều cơ hội sau khi đại dịch qua đi. Những năm gần đây, đặc biệt cuối năm 2019 đầu 2020, sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã kéo theo nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng, tạo đà cho nhóm ngành này có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong vòng 5 năm qua, có khoảng 400.000 - 500.000 căn hộ nhà phố, chung cư cao cấp ra đời tại Việt Nam. Trung bình mỗi căn hộ sử dụng ít nhất từ 100 - 200 triệu đồng cho phần nội thất, ốp sàn.
Chỉ riêng với đồ gỗ, vật liệu ốp sàn gỗ nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là 21 USD/người/năm. Như vậy, quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất, vật liệu ốp sàn trong nước năm 2019 lên đến khoảng 4 tỷ USD. Thế nhưng, trong bối cảnh các công ty trong nước đang tập trung nhiều cho xuất khẩu, thì thị trường nội thất tại Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp gỗ trong nước mải mê với xuất khẩu, không chú trọng thị trường nội địa thì sẽ mất đi cơ hội khai thác thị trường sàn gỗ rất tiềm năng này.
Với góc độ chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, bên cạnh các gói hỗ trợ riêng cho các đối tượng chịu thiệt hại bởi Covid-19 chưa được hấp thụ trên thực tế, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng các cơ hội sẵn có khác. “Tôi đọc báo trong mấy ngày qua, thấy Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, thông qua việc thực hiện chính sách mua sắm công đồ gỗ, Chính phủ có thể dẫn dắt phát triển thị trường nội địa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững cho các công trình công cộng, khuyến khích doanh nghiệp và các làng nghề tham gia cung cấp các sản phẩm này.
Hiện nay, Chính phủ đang chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường mua sắm công để khôi phục kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội. Nếu sớm tìm hiểu và đón đầu việc triển khai các kế hoạch này, doanh nghiệp ngành gỗ có thể gia tăng thị trường nội địa”, TS Võ Trí Thành nói.
Ông Thành khuyến cáo, các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận toàn bộ nền kinh tế với nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực có thể là đầu ra của ngành gỗ như xây dựng, bất động sản để nắm bắt cơ hội.
Bên cạnh áp dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh online hay tìm kiếm thị trường mới, ông đề xuất doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoặc gắn thêm vào sản phẩm của mình một số tính năng cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh. Ngay cả khi thị trường Trung Quốc dần ổn định nhưng các nhà cung cấp nội địa hoặc quốc tế chưa kịp phục hồi, Việt Nam có thể tận dụng giai đoạn này để gia tăng thị phần trong ngắn hạn, đồng thời chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng ở thị trường đông dân này thông qua chất lượng sản phẩm.
"Đây là giai đoạn tư duy lại, lập chiến lược lại. Doanh nghiệp cần linh hoạt, bình tĩnh và hướng theo xu thế để trụ vững", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)