Chuyển đổi kịp thời
Tính đến hết tháng 4-2020, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) có 7% số DN chế biến gỗ ngừng hoạt động hoàn toàn, 51% số DN giảm sản lượng và ngừng hoạt động một phần sản xuất, có 45% số lao động tạm ngưng việc. Dù vậy, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản của thành viên Hawa đạt hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ; trong đó, sản phẩm gỗ đạt hơn 698.000 USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh Bình Định, 4 tháng đầu năm, ngành gỗ của tỉnh xuất khẩu đạt khoảng 188 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó gia tăng kim ngạch chủ yếu ở các mặt hàng dăm gỗ, viên nén, đồ gỗ. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, nguyên nhân tăng chủ yếu nhờ mặt hàng dăm gỗ xuất sang Trung Quốc tăng đột biến. Đồ gỗ vẫn giữ được trị giá xuất khẩu là nhờ DN đã sản xuất hàng hóa trong năm 2019 và tập trung xuất khẩu vào thời điểm sau tết âm lịch.
Mặt khác, việc nước ta kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh ở ASEAN, EU, Hoa Kỳ phải dừng hoạt động sản xuất, cũng giúp DN có thêm đơn hàng. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận các DN đã nỗ lực chủ động kiếm đơn hàng trái vụ ở thị trường Australia; tìm đơn hàng đón đầu tại thị trường EU và Hoa Kỳ; đàm phán thương lượng các giải pháp hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà nhập khẩu - nhà xuất khẩu và nhà sản xuất - nhà thương mại trong nước trong các vấn đề lưu kho, bảo quản, thanh toán, nguyên liệu, vật tư...
Hoàn thiện từng khâu để tăng trưởng
Dù số liệu xuất khẩu tại thời điểm này có tín hiệu khả quan, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp, khó lường, nhất là tại các thị trường chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Dẫu vậy, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2020 ngành gỗ vẫn có thể tăng trưởng gần 2 con số. Lý do, nhờ khống chế dịch tốt, Việt Nam trở thành quốc gia có sức hút cho nhiều nhà đầu tư chế biến gỗ doanh số nhiều tỷ USD đến đặt nhà máy sản xuất. Ở góc độ khác, nhiều DN Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sản xuất sản phẩm cốt lõi hoặc mặt hàng có số lượng lớn để thích nghi với thị trường. Sản lượng quý 2 có thể sụt giảm nhưng đây là điều bình thường, do mùa hè các năm thường giảm 30% đơn hàng.
Hiện tại, chủ trương sống chung với dịch ở hầu hết các quốc gia sẽ tác động mạnh, làm thay đổi xu hướng chọn lựa của người tiêu dùng và phương thức sản xuất kinh doanh, phân phối các mặt hàng đồ gỗ của DN. Trong điều kiện này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hawa, phân tích, nhằm bảo vệ sức khỏe, nhiều người sẽ ở nhà, nhịp sống sẽ chậm lại hoặc thay đổi phương cách làm việc, văn phòng làm việc sẽ nhỏ hơn. Do đó, chắc chắn sẽ có sự thay đổi về thiết kế đồ nội thất.
Tự chủ nguồn nguyên liệu
Trong đợt dịch Covid-19, nhiều sản phẩm từ gỗ của Việt Nam không thể xuất khẩu do chưa hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Phần lớn những sản phẩm này đều thiếu các phụ kiện như dây đai, sơn… Trong khi đó, những phụ kiện này phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không chỉ phụ kiện, ngành gỗ Việt Nam còn thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy Việt Nam trồng nhiều loại gỗ rừng như cao su, bạch đàn, keo, gỗ mỡ… với số lượng lớn, nhưng lại đang thiếu trầm trọng gỗ làm mặt ván. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy sản xuất ván ép không đạt tiêu chuẩn về xuất khẩu. Dù xuất khẩu gỗ chiếm tỷ trọng cao, nhưng Việt Nam vẫn chưa có trung tâm triển lãm quốc tế đủ tầm để trưng bày các sản phẩm.
Để duy trì hoạt động sản xuất của ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã phối hợp với các hiệp hội trong ngành ở các địa phương, DN sản xuất, chế biến gỗ, đưa giải pháp duy trì sản xuất bằng việc quảng bá sản phẩm qua không gian ảo, bán hàng trực tuyến, tổ chức đào tạo kỹ năng bán hàng online qua các trang mạng Amazon, Alibaba… Nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, các hiệp hội đã phối hợp xây dựng các liên kết, chuỗi cung ứng mới và khai thác nguồn nguyên liệu, phụ kiện tại chỗ để duy trì sản xuất.
|
Để đạt mục tiêu, rõ ràng ngành gỗ phải mở rộng quy mô bằng việc xây dựng các cụm công nghiệp ngành gỗ. Hiện tại, 2 tỉnh Bình Định và Nghệ An đã dành quỹ đất để phát triển cụm công nghiệp chuyên cho ngành gỗ, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí, thiết bị chế biến gỗ, hóa chất, sơn, ván dán, ván nhân tạo và chuỗi chế biến phát triển lâm nghiệp.
Theo ông Lê Minh Thiện, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cần đảm bảo chất lượng giống cây trồng, mở rộng diện tích trồng rừng chuyên canh gỗ lớn có chứng chỉ, đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp bền vững, tìm giống phù hợp với thổ nhưỡng và có chất lượng nhằm đáp ứng cho nguyên liệu sản xuất trong nước. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động chế biến sản xuất đồ gỗ, kết nối các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các chuỗi sản phẩm đồ gỗ - lâm sản, giúp DN xây dựng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần lớn hơn tại các thị trường xuất khẩu chính, bảo đảm đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm chất lượng, phong phú đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị, Chính phủ và các tỉnh có chính sách kiểm soát, tránh tiếp nhận nhà máy chuyển dịch sang nước ta với công nghệ cũ, và cần đặt ra quy mô tối thiểu 5 - 10 triệu USD. Không khuyến khích những mặt hàng mà thế giới đang áp thuế chống bán phá giá, để có chiến lược phát triển ngành gỗ nhanh và vững chắc đối với DN Việt.
|
THANH HẢI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)