Anh Lê Hữu Vy, du khách đến từ TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết, gia đình anh ra Cô Tô từ thứ 7 tuần trước. Biết là mất điện nhưng nghĩ là khách sạn có máy phát nên gia đình vẫn đi. Ai ngờ đến khi chuẩn bị về thì gió to, tàu bị cấm làm cả nhà bị kẹt ở trên đảo.
“Chính quyền địa phương đã thông báo giảm giá thực phẩm cho du khách nhưng hiện tại, các cây rút tiền ATM không hoạt động vì không có điện. Còn muốn rút tiền tại phòng giao dịch ngân hàng, phải có chứng minh thư và phải đúng thẻ của ngân hàng đó mới rút được tiền. Từ sáng nay (25.6), các gia đình đã phải ở ghép 6 người một phòng và ăn bánh mỳ, cơm rang để tiết kiệm tiền”, anh Vy nói.
Khách du lịch ngồi chờ tàu để về đất liền ở cảng tàu khách Cô Tô. (Ảnh: VNN)
Các cây rút tiền ATM không hoạt động vì không có điện lưới.
Anh Vỹ cho biết thêm, hầu như khách du lịch đều chủ quan không mang theo nhiều tiền nên nếu trong 2,3 ngày tới mà không về được, nguy cơ hết cả tiền ăn.
Hiện các khách sạn trên đảo Cô Tô đang phải sử dụng máy phát chạy dầu diezel để phát điện nên chỉ dùng được quạt, điều hòa hầu như không dùng được. Buổi tối ngủ, người lớn, trẻ con trải chiếu ra hành lang nằm la liệt.
Du khách phải ăn bánh mỳ và cơm rang để duy trì số tiền ít ỏi còn lại.
Ông Nguyễn Xuân Tình người dân xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô cho biết, sự cố xảy ra đột ngột nên người dân không kịp chuẩn bị.
Ngay sau khi toàn đảo mất điện, nhiều nhà hàng, khách sạn ùn ùn kéo nhau đi mua xăng dầu để chạy máy phát điện. Thị trấn Cô Tô chỉ có duy nhất một cây xăng. Người dân đành phải đứng xếp hàng chờ tới lượt mình, ùn ứ kéo dài đến 30-40m.
“Xăng tại cây bán với giá 19.940 đồng/lít, sau khi mất điện đại lý xăng chưa thể cung cấp cho người dân. Thời điểm này, nhiều điểm bán xăng lẻ trên địa bàn “hét” giá 30.000 đồng/lít, sau đó tiếp tục tăng giá đến 35.000 đồng/lít nhưng cũng không có để mua”, ông Tình nói.
Các máy phát điện hoạt động hết công suất. (Ảnh: Lao Động)
Ngày 24.6, do biển động, gió giật cấp 5-6, tại vùng biển Cô Tô, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh đã dừng cấp lệnh các chuyến tàu khách đi các tuyến Vân Đồn và Cô Tô. Sóng to cũng khiến hoạt động khắc phục sự cố cáp điện tại đây bị tạm dừng.
Hiện nay, trên đảo đang có hơn 5.000 khách lưu trú, chưa thể trở về đất liền.
Công nhân ngành điện đang khẩn trương khắc phục sự cố đường dây 22KV.
Ông Trần Như Long, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, chính quyền huyện đã huy động các lực lượng tham gia ổn định tình hình, động viên du khách. Ngoài việc chủ động các phương án máy phát điện để phục vụ du khách, nhiều khách sạn đã giảm 20% giá, không tính phí khi nghỉ thêm giờ.
Còn theo thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, các tàu hiện nay cũng đang ứng trực sẵn, chờ thời tiết tốt sẽ đưa du khách về. Thực tế, thời tiết hiện nay chưa thể đưa khách Cô Tô về. Hiện nay, phía cảng vụ đang liên hệ với bên Khí tượng thủy văn để theo dõi, bám sát tình hình thời tiết.
Liên quan đến việc khắc phục sự cố đường dây đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, ông Nguyễn Sông Thao, Phó Giám đốc Công ty điện lực Quảng Ninh cho biết, 5h sáng nay, tàu chở thiết bị và thợ điện đã ra đảo Ba Mùn để khắc phục sự cố.
Hiện theo thông tin vừa cập nhật, tàu đã đến Cửa Đối - khu vực cửa biển, gặp đúng lúc sóng to, gió lớn nên tàu hiện đang neo đậu tại khu vực này, cách vị trí xảy ra sự cố khoảng 3km. Để tận dụng thời gian, trong lúc neo đậu đảm bảo an toàn, công nhân trên tàu đã tiến hành lắp đặt mọi thiết bị, dựng nhà bạt, nhà tạm chuẩn bị cho công tác khắc phục sự cố. Bất kể khi nào, kể cả đêm nay, nếu sóng, gió ngớt, Cảng vụ đường thủy Quảng Ninh cho phép xuất bến, tàu sẽ di chuyển ngay đến điểm thi công, cố định tại chỗ để xử lý sự cố.
Tính đến ngày 25.6, sự cố sét đánh khiến huyện đảo Cô Tô mất điện đã bước sang ngày thứ 9. Công ty Điện lực Quảng Ninh và các đơn vị cũng nỗ lực xác định được vị trí xảy ra sự cố đường dây còn lại cấp điện cho huyện Cô Tô. Vị trí này cách đảo Ba Mùn, Vân Đồn khoảng 600m, ở độ sâu 28m. Đây là khu vực có nước chảy mạnh và thường xuyên có sóng lớn.