Phát triển nhanh và định hướng kịp thời
Trước đây khi đến quận Cái Răng, du khách thường chỉ biết đến chợ nổi và vài điểm vườn quen thuộc ở các phường Ba Láng, Thường Thạnh. Du lịch Cái Răng khi đó mang tính tự phát, sản phẩm nhỏ lẻ, đơn điệu và thiếu liên kết. Khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch Cái Răng thay đổi hoàn toàn. Khi Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch được ban hành, Quận ủy Cái Răng cũng chủ động ban hành Nghị quyết 03-NQ/QU ngày 25/11/2016 về Phát triển du lịch trên địa bàn quận Cái Răng giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 03). Trên cơ sở này, Cái Răng xác định phát triển du lịch đặc trưng sông nước, gắn với khai thác loại hình du lịch sinh thái, khám phá làng nghề, văn hóa bản địa, di tích văn hóa - lịch sử. Trong đó, xác định không gian du lịch ở các phường Lê Bình, Thường Thạnh, Ba Láng là trọng điểm để xây dựng sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Đồng thời, chú trọng hình thành và khai thác các tour, tuyến đường sông từ chợ nổi Cái Răng, vào các kênh rạch kết nối với các điểm du lịch đặc trưng của địa phương. Từ đó, đưa du lịch quận Cái Răng phát triển đột phá.
Du lịch sinh thái ở Cái Răng đang là loại hình thu hút nhiều du khách. Trong ảnh: Du khách thích thú bắt cá tại Vườn sinh thái Bảo Gia Trang Viên. Ảnh: ÁI LAM
Năm 2016, trên địa bàn quận chỉ có khoảng 16 điểm du lịch thì đến nay con số đã lên đến 23 điểm (tính đến tháng 9 năm 2018), trong đó tăng nhiều nhất là homestay và điểm vườn sinh thái. Mức tăng trưởng chiếm gần 1/3 chỉ trong vòng chưa đến 3 năm. Số lượng khách đến Cái Răng cũng không ngừng tăng, năm 2016 đạt khoảng 478.350 lượt khách (chỉ tăng khoảng 1,3% so với năm 2015), nhưng đến năm 2017 lượt khách đến đạt hơn 612.500 lượt (tăng khoảng 28% so với năm 2016). Ba phường Lê Bình, Ba Láng và Thường Thạnh tập trung nhiều điểm du lịch và thu hút khách trong thời gian qua. Chẳng hạn liên tuyến chợ nổi Cái Răng với điểm dừng chân hủ tiếu Quê Tôi (số 2, khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình) vừa mới hình thành và phát triển vào năm 2017, thu hút đông đảo du khách. Chỉ cách chợ nổi vài trăm mét, gần trung tâm chợ Cái Răng, cơ sở hủ tiếu Quê Tôi không chỉ thuận lợi về giao thông mà còn là điểm dừng dân lý tưởng để du khách thưởng thức hủ tiếu thơm ngon, trải nghiệm làm bánh dưới sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề, trung bình mỗi ngày đón vài trăm khách. Nơi đây cũng gần xóm thúng Yên Hạ, làng nghề nổi tiếng của Cái Răng, trở thành liên tuyến điểm được du khách biết đến.
Trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có đưa ra một số không gian du lịch trọng điểm, trong đó Cái Răng được xác định ưu tiên phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sông nước với dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp. Từ đó, quận cũng đã và đang dần hình thành được các loại hình du lịch đặc trưng: sông nước, sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp. Khách sạn Azerai Cần Thơ (phường Hưng Phú, Cái Răng) chính là một trong những điểm đến nổi bật với các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp đang thu hút đông đảo du khách kể từ năm 2017. Bà Susan Noonan, Giám đốc Azerai Cần Thơ, chia sẻ: “Cồn Ấu là một ốc đảo đặc biệt ở ĐBSCL. Nơi đây còn nhiều không gian xanh, những nét đẹp tự nhiên và chúng tôi giữ nguyên điều đó để làm nên khu nghỉ dưỡng theo phong cách hoàn toàn mới với các dịch vụ tốt nhất. Chúng tôi thu hút khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước đến đây để cảm nhận vẻ đẹp của cồn Ấu và thành phố Cần Thơ sôi động. Có rất nhiều điểm tham quan ở đây như: chợ nổi Cái Răng, vườn cò, nhà cổ, vườn trái cây, lò hủ tiếu… mà không phải ở đâu cũng có”.
Đến nay, Cái Răng đã xác định và phát triển rõ nét các loại hình du lịch đô thị sông nước, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trong đó đã chọn sản phẩm trọng tâm là chợ nổi Cái Răng và homestay.
Tạo mọi điều kiện phát huy tiềm năng du lịch
Du lịch Cái Răng đang phát triển mạnh mẽ với những định hướng đầu tư có trọng tâm. Địa phương đang tạo mọi điều kiện và những chính sách hỗ trợ kịp thời để phát huy tiềm năng du lịch, từng bước góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố vào năm 2020.
Chợ nổi Cái Răng là điểm thu hút đông đảo du khách quốc tế. Ảnh: ÁI LAM
Trên cơ sở đó, Cái Răng đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng” (gọi tắt là đề án). Đề án triển khai thực hiện từ 2016-2020 với nhiều hạng mục công trình và phi công trình. Đến nay đã có 9/13 hạng mục đã thực hiện, bao gồm các việc: hệ thống phao phân luồng, phao tiêu giới hạn, biển báo neo đậu, các hoạt động an sinh xã hội cho người dân chợ nổi, các mô hình phát triển nông sản sạch, hỗ trợ người dân vay vốn mưu sinh… Ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư khu vực Yên Bình, cho biết: “So với nhiều năm trước, tình trạng an ninh trật tự trên chợ nổi đã được đảm bảo, không còn nạn trộm trên sông nên thương hồ an tâm neo đậu. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tạo điều kiện để các thương hồ vay vốn kinh doanh, để người dân bám chợ hơn”. Riêng tại phường Lê Bình, địa phương cũng đã phối hợp với Công an quận hỗ trợ bè nổi neo đậu an toàn, cấp sổ tạm trú với các hộ bè nổi trên sông tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường. Địa phương cũng phối hợp nhiều đơn vị hữu quan thành lập các mô hình: “Tuần tra trên sông”, “Chợ nổi an toàn”, “Vớt rác trên sông” để xây dựng môi trường an toàn, vệ sinh. Ngoài ra, phường cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quận tạo điều kiện cho 174 tiểu thương vay vốn kinh doanh trên chợ nổi với số tiền là 5,64 tỉ đồng. Trong hai năm (2017-2018), tổng vốn vay phát triển du lịch mà Cái Răng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân vay là khoảng 12,1 tỉ đồng.
Hiện đề án còn 4 hạng mục: trạm dừng chân, cầu tàu, du thuyền, nhà hàng nổi vẫn đang trong giai đoạn triển khai. UBND quận Cái Răng cũng đề xuất và lấy ý kiến về công trình trạm dừng chân và cầu tàu. Với diện tích hơn 4.000m2, trạm dừng chân sẽ có khu vực nhà hàng, các gian hàng bày bán nông sản sạch, sản phẩm du lịch, khu nhà trẻ, quán cà phê, đài quan sát, nhà vệ sinh công cộng… với tổng vốn đầu tư khoảng 14,8 tỉ đồng. Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nói: Cái Răng vẫn đang nỗ lực để triển khai đề án theo đúng tiến độ, tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, nghiên cứu các giải pháp xây dựng bờ kè để không làm ảnh hưởng đến chợ nổi; tiếp tục nghiên cứu và đầu tư các sản phẩm, dịch vụ đa dạng”.
Ông Bùi Hữu Sang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cái Răng, cho biết: “Qua hai năm thực hiện Nghị quyết 03, du lịch Cái Răng đã có nhiều thay đổi với sản phẩm đa dạng, thu hút du khách. Địa phương quy hoạch và những định hướng rõ ràng phát triển du lịch, luôn tạo mọi điều kiện để các các doanh nghiệp đầu tư, người dân làm du lịch”. Theo đó, Cái Răng cũng đã quy hoạch và triển khai một số dự án du lịch dọc các cồn theo định hướng du lịch sông nước, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng: khu đô thị du lịch sinh thái cồn Ấu, dự án tổ hợp sân golf và khu biệt thự cồn Ấu. Hiện trên địa bàn quận còn một số điểm du lịch đang xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động: Resort Ba Láng, Green Village (thuộc công ty TNHH Green Village), Hakia Garden…. Bà Susan Noonan, Giám đốc khách sạn Azerai Cần Thơ, nói: “Chúng tôi ghi nhận và cảm kích sự hỗ trợ tích cực của địa phương để khách sạn đi vào hoạt động. Sự phát triển của khách sạn sẽ thu hút nhiều sự đầu tư đến với khu vực, đồng thời nâng cao thêm đời sống của người địa phương sống và làm việc ở khu vực này”.
Du lịch Cái Răng từng bước khoác lên mình diện mạo mới. Đây là sự nỗ lực chung của cả cộng đồng: người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Trong 9 tháng năm 2018, Cái Răng đón trên 564.000 lượt khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 87,6% kế hoạch năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt khoảng 78.400 lượt, khách du lịch nội địa 485.670 lượt. Lượt khách thống kê từ chợ nổi Cái Răng đạt khoảng 285.900 lượt, chiếm tỷ lệ gần 51% lượng khách đến Cái Răng; các điểm du lịch sinh thái đón khoảng 119.000 lượt khách, chiếm khoảng 21% tổng lượng khách. Khách lưu trú trên địa bàn quận khoảng 34.300 lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 16.100 lượt. Lượt khách từ homestay có khoảng 26.300 lượt, chiếm tỷ lệ 76,7% tổng lượt lưu trú.
Tổng doanh thu từ du lịch trong 9 tháng đạt khoảng 37,6 tỉ đồng, đạt 82,2 % kế hoạch năm.