Khách du lịch thích thú với cảnh đi cầu khỉ. Ảnh: NGUYỄN TOÀN
Về vùng đất Sen Hồng, du khách thường không quên đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để thắp nén nhang tri ân, tưởng niệm cụ Phó bảng. Trong khuôn viên khu di tích, khách không chỉ đến thăm nhà trưng bày, mô hình nhà sàn và ao cá Bác Hồ; mà còn đắm mình trong không gian xanh mát thư thái của những ao sen, hàng rào cây xanh và vườn cây kiểng được nhân dân khắp nơi mang về trồng tạo nên muôn kiểu bonsai. Đặc biệt, khách thích thú chiêm ngưỡng cây sộp và cây khế hàng trăm năm tuổi được công nhận là cây di sản trồng bên hai bên cạnh mộ cụ. Men theo đường làng, du khách len lỏi qua những hàng dừa, me, vú sữa… cạnh bên con rạch nhỏ, qua những cây cầu khỉ để đến với làng Hòa An - khu tái hiện làng cổ Hòa An đầu thế kỷ XX. Ở đây, không gian xưa được dựng hài hòa, gần gũi nếp sống, phong tục của người dân Nam bộ.
Hai bên đường vào làng Hòa An rợp bóng cây xanh, du khách chiêm ngưỡng những ngôi nhà gỗ cổ xưa được phục dựng bên hàng dừa xiêm che bóng mát; trải nghiệm đi cầu khỉ, chèo xuồng len lỏi qua những khóm điên điển trổ vàng bông theo mùa nước lên. Thấp thoáng đằng sau là vườn cây trái quanh năm đơm bông, trĩu quả. Vào làng, khách ngắm nhìn những dòng kênh nhỏ, với những cầu gỗ xinh xắn bắt ngang kênh nằm cạnh làng Hòa An xưa. Nhiều du khách không quên ghi lại một vài tấm ảnh bên cạnh súng nia (còn gọi là vua sen) chỉ bắt gặp ở vùng đất Sen Hồng. Ngoài ra, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thân thuộc của miền quê Nam bộ xưa: ụ rơm, lu nước, nông ngư cụ… Tất cả các tổ hợp mô tả cuộc sống đời thường, sinh hoạt, ứng xử của người dân Hòa An xưa như xắt thuốc rê, chằm lá, làm mộc, đờn ca tài tử... đem đến hình ảnh làng quê xưa gần gũi, đơn sơ, nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên, yêu thương gắn bó. Không gian nơi đây an lành, tĩnh lặng với khung cảnh thi vị mà dân dã, để khách thoải mái tận hưởng chốn quê đồng gió nội.
Trong không gian đầy gió thổi vi vu, nắng vàng nhẹ, vườn tược mát rượi, khách có thể dạo chơi đường làng, bơi xuồng ba lá giăng câu, cất vó, hay chăm sóc mấy giàn bầu bí, mấy vạt rau quanh nhà. Khách còn có thể vào vườn dược liệu tìm hiểu và ghé Phòng Chẩn trị Đông Y để bắt mạch kiểm tra sức khỏe. Sau đó, tìm hiểu những ngôi nhà gỗ cổ kính được phục dựng lại, từ nhà của bá hộ địa chủ đến nhà của giới trung lưu, tá điền… Do đặc trưng của miền sông nước, hầu hết nhà được dựng sàn trên hệ thống cột, trụ. Sàn nhà ở làng Hòa An thường không quá cao, phần dưới sàn thường ít được sử dụng. Cầu thang lên nhà được đặt hai bên nhà chính, tạo sự thoáng mát, rộng rãi, hiếu khách.
Khách lưu trú lại làng Hòa An được sống trong không gian yên bình. Buổi sáng, du khách thả bộ dọc quanh đường làng, nghe tiếng chim hót ban mai, cùng bạn bè săn những bức ảnh đẹp khi những tia nắng đầu tiên chiếu lên hàng dừa. Buổi tối đường làng đẹp tĩnh lặng, nhất là những đêm rằm. Khách yên tâm lưu trú tại những ngôi nhà sàn gỗ đậm thi vị làng quê, tạm quên đi bộn bề cuộc sống và tận hưởng các dịch vụ homestay được thiết kế hài hòa và vẫn giữ được nét xưa. Đến với khu lưu trú, khách có thể tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, trò chơi dân gian, câu cá, bơi xuồng, trồng cây, thu hoạch nông sản... Khách có thể chọn lựa thưởng thức ẩm thực đặc trưng đất Sen Hồng, hay tự tay làm các món ăn truyền thống của Nam bộ.
Chị Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc cho biết, việc tái hiện làng Hòa An xưa nhằm kể lại một phần lịch sử, tạo làng cổ giữa đô thị, giới thiệu với khách tham quan về văn hóa và con người Hòa An – Cao Lãnh xưa.