Hoạt động đua heo thu hút nhiều du khách trong dịp Tết Dương lịch 2019 tại Làng du lịch Mỹ Khánh.
Với hơn 8,48 triệu lượt khách đến tham quan trong năm 2018, ngành du lịch thành phố đã đạt 106% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động lưu trú phục vụ hơn 2,66 triệu lượt khách, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách lưu trú quốc tế đạt trên 363.800 lượt khách, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 3.785 tỉ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch năm. Ngành du lịch thành phố có sự gia tăng mạnh về lưu trú và doanh thu - những tiêu chí quan trọng để đánh giá sức hút du lịch của một địa phương. Kết quả trên là sự nỗ lực không chỉ riêng ngành du lịch mà toàn hệ thống chính trị thành phố, nhất là kể từ khi Nghị quyết 03 về phát triển du lịch của Thành ủy đã định ra quyết sách quan trọng. Từ đó du lịch Cần Thơ không ngừng đổi mới, được đầu tư nâng chất cho các sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện lễ hội, tập trung đào tạo nhân lực, thay đổi phương pháp và năng động xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh liên kết…
Trong nâng chất hệ thống sản phẩm du lịch, TP Cần Thơ đã xây dựng hệ thống các điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố và cấp ĐBSCL dựa trên những tiêu chí, quy định cụ thể và đánh giá nghiêm ngặt của Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Theo đó, năm 2018, Cần Thơ có thêm 1 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, nâng tổng số điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL tại Cần Thơ lên 6; sở hữu 12 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố khi được Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ công nhận thêm 3 điểm mới. Đến nay, thành phố có 32 điểm vườn du lịch (tăng 9 điểm so với năm 2017), 19 homestay và một địa điểm du lịch cộng đồng tại cồn Sơn. Trong năm 2018, trên địa bàn TP Cần Thơ có 59 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động (tăng 5 cơ sở so với năm 2017), có 271 cơ sở lưu trú du lịch với trên 7.100 phòng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển khá đồng bộ. Các doanh nghiệp du lịch ngày càng khẳng định vai trò đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp không khói này.
Du lịch Cần Thơ hiện phát triển ổn định theo định hướng rõ ràng. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; phát huy thế mạnh loại hình du lịch sông nước, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa. Công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch ngày càng sâu rộng đến các thị trường du lịch trọng điểm trong cả nước. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch được nâng lên, tạo nền tảng đẩy mạnh phát triển du lịch. Với đà này, ngành du lịch Cần Thơ tiếp tục đề ra một số nội dung trọng tâm cần thực hiện trong năm 2019 để tiếp tục phát huy hiệu quả và đạt được những chỉ tiêu, định hướng đã đề ra, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Xác định phát triển theo định hướng đô thị miền sông nước với các sản phẩm đa dạng: MICE, sinh thái, sông nước đô thị, gắn với di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội; ngành du lịch thành phố trong năm 2019 tiếp tục phối hợp với các quận, huyện khảo sát, xây dựng các sản phẩm bản địa, phát huy nét đặc trưng sông nước, nhất là các tuyến du lịch đường sông; chủ động tổ chức các sự kiện, lễ hội với những bản sắc văn hóa độc đáo thu hút du khách đến và ở lại Cần Thơ lâu hơn. Mặt khác, tiếp tục theo dõi tiến độ, đôn đốc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”; Phối hợp các sở, ban, ngành, tham mưu UBND thành phố tích cực mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm trong danh mục các dự án mời gọi đầu tư của thành phố; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch, từng bước đáp ứng cho sự phát triển của du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Năm 2019, Cần Thơ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030; từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến tại các chương trình, sự kiện, lễ hội lớn trong và ngoài thành phố; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá gắn với sản phẩm và thị trường, đồng thời nghiên cứu, khảo sát đánh giá thị trường du lịch để phát triển loại hình và sản phẩm du lịch theo nhu cầu của từng thị trường khách hàng, nhằm tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch. Song song đó, ngành du lịch địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết, xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn với các tỉnh, thành phố đã ký kết hợp tác phát triển du lịch, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và các tỉnh, thành; các điểm đến du lịch hàng đầu trong cả nước và quốc tế.