Quy chế gồm 3 chương, 16 điều quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp quản lý một số hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề du lịch, dịch vụ du lịch; phối hợp về thông tin, thống kê du lịch; phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, quy chế đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý lĩnh vực du lịch. Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch, gây ô nhiễm môi trường, môi sinh, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, hoạt động kinh doanh du lịch và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực du lịch. Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư du lịch, dịch vụ du lịch; xây dựng các đề án, chương trình hành động phát triển du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch của tỉnh; quảng bá giới thiệu hình ảnh, thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xây dựng thương hiệu du lịch An Giang tại ĐBSCL, phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
Nâng cao nhận thức người dân để đảm bảo môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh, đảm bảo an ninh trật tự cho du khách.
9 nội dung phối hợp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện, đó là: quản lý tài nguyên du lịch; quản lý khai thác các khu di tích, khu du lịch, điểm du lịch; quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; quản lý an ninh trật tự du lịch; quản lý môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý thuế, phí, giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ du lịch; phối hợp trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề du lịch, dịch vụ du lịch; phối hợp về thông tin, thống kê du lịch; phối hợp về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch; phối hợp về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch.
Trong quản lý tài nguyên du lịch, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ, đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan, thụ hưởng giá trị của tài nguyên du lịch. Đối với các di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) hoặc UBND tỉnh giao cho một tổ chức quản lý thì tổ chức đó có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác nhằm phát huy giá trị di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định hiện hành về phân cấp quản lý di sản. Khách du lịch, tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch.
Tăng cường quản lý niêm yết giá, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh quyết định công nhận các khu, điểm du lịch cấp tỉnh và mô hình quản lý, khai thác theo quy định. UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch; thực hiện các biện pháp quản lý đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, văn minh, vệ sinh môi trường tại các khu di tích, khu du lịch, điểm du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để đảm bảo môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh..
Sở VH-TT&DL có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch của các cơ sở lưu trú; các doanh nghiệp hoạt dộng kinh doanh lữ hành; các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch; dịch vụ karaoke, vũ trường trong các cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận hạng sao, các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ du lịch. Sở Y tế quản lý hoạt động kinh doanh loại hình xoa bóp và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác phục vụ khách du lịch; vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra hoạt động kinh doanh, hành nghề mua bán các loại thuốc đông y tại các khu, điểm du lịch. UBND cấp huyện giải quyết tình trạng bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám du khách ở các khu, điểm du lịch, quản lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, dịch vụ cho khách du lịch thuê xe ôtô, môtô.
An ninh trật tự du lịch là điều hết sức quan trọng cần tăng cường nhiều giải pháp quản lý. Công an tỉnh có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch; quản lý đăng ký hoạt động lưu trú, xuất, nhập cảnh của du khách. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt các giải pháp đối với người lang thang ăn xin... tạo mỹ quan các khu di tích, khu-điểm du lịch và nơi công cộng.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)