Người dân, đoàn viên, thanh niên cùng tham gia hoạt động dọn rác với nhân viên điểm du lịch Mango Home Riverside.
Doanh nghiệp chủ động
Khi làm DL, các điểm DL, nhất là các điểm DL sinh thái, các homestay luôn đảm bảo yếu tố vệ sinh, đấy là một trong các tiêu chuẩn hàng đầu để phục vụ du khách. Nhưng vệ sinh môi trường ngay tại điểm DL thôi chưa đủ. Cảnh quan của địa bàn nơi có điểm DL hoạt động, xung quanh các điểm tham quan, dừng chân, di tích cũng là những nơi mà du khách có ấn tượng đầu tiên khi đến tham quan, DL.
Có doanh nghiệp (DN) cũng đã từng phản ánh rằng du khách của họ, nhất là khách nước ngoài từng góp ý về tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi ven các tuyến đường. Ngay cả trên những đoạn sông, rác nhựa như chai nước, hộp xốp trôi nổi lẫn vào các cụm lục bình hoặc ứ đọng lại các gốc bần hay dừa nước cũng là những hình ảnh không đẹp. Anh Trần Hữu Nghĩa - Giám đốc Mango Home Riverside (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) chia sẻ: “Nhiều du khách của chúng tôi từng phản ánh rằng những đoạn đường, đoạn sông mà họ đi qua trên địa bàn có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Điều này làm mất đi ấn tượng tốt về môi trường DL sinh thái”.
Cũng từ những phản ánh đó của du khách, một số điểm DL đã có sự chủ động trong xử lý rác, bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh điểm DL của mình. Như điểm DL du thuyền xoài Mango Home Riverside vừa qua đã tổ chức ngày vệ sinh môi trường tại địa phương. Hoạt động đã thu hút hơn 100 người dân, học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn cùng tham gia dọn rác tại 8 tuyến đường trên địa bàn xã Phong Nẫm và ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.
Sự chủ động của các DN DL đối với vấn đề bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Tại cuộc họp mặt DN DL tỉnh Bến Tre đầu năm 2019, chị Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ homestay Út Trinh (An Bình, Vĩnh Long) chia sẻ về cách làm của DL Út Trinh là hàng tháng tổ chức cho nhân viên thu gom rác và yêu cầu các nhân viên phục vụ chèo đò sẽ thu gom rác ở lượt không chở khách, hay tổ chức cho du khách cùng dọn rác như là một hoạt động trải nghiệm. “Điều này cũng tác động đến ý thức du khách và cộng đồng dân cư xung quanh điểm DL. Chính điểm DL của mình cần phải chủ động trong bảo vệ môi trường. Đây cũng là cách hình thành cho du khách thói quen DL có trách nhiệm”, chị Trinh nói.
Chung tay góp sức của cộng đồng
DN có trách nhiệm xã hội nhưng đối với vấn đề bảo vệ môi trường, hiệu quả lâu dài là phải tác động đến ý thức và làm thay đổi hành vi của người dân. Trước hết là nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương khi có tiếng nói tác động đến người dân, tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia các hoạt động cộng đồng. Anh Trần Hữu Nghĩa nêu ý kiến: “Bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng một DN DL mà phải có sự chung tay nhiều người, tham gia của nhiều thành phần trong xã hội”.
Ông Võ Thành Nhân - Trưởng ấp Bến Đò, xã Mỹ Thạnh cùng tham gia dọn rác đã chia sẻ: “Tôi cho rằng mỗi người dân mình cần cùng nhau giữ gìn môi trường sống sạch đẹp, không phải chỉ vì hoạt động DL mà còn cho chính mình”. Trao đổi với những người dân tham gia dọn rác, họ cho biết cũng hy vọng rằng qua những hoạt động cụ thể cũng sẽ góp phần tác động đến ý thức của nhiều người khác để họ không vứt rác bừa bãi.
Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung cho biết: “Mỗi người dân cùng với DN DL đóng vai trò như là một cộng tác viên, tuyên truyền viên trong vấn đề bảo vệ môi trường”. Theo ông Trung, những hành động cụ thể của một DN DL sẽ làm chuyển đổi nhận thức của cộng đồng trong chung tay bảo vệ môi trường. Đối với DL sinh thái thì điều kiện tiên quyết để thành công là phải có môi trường sạch, hoạt động dọn rác của DN không chỉ tác động đến môi trường DL mà còn tác động đến môi trường xã hội nói chung. Huyện hiện có 4 điểm DL sinh thái, nếu được nhân rộng mô hình thì sẽ giúp cho địa bàn huyện có môi trường sạch hơn, góp phần tạo điều kiện để hoạt động DL hiệu quả.